Bí ẩn bủa vây chiếc máy bay mất tích của Malaysia đã làm dấy lên một câu hỏi: Làm thế nào một máy bay phản lực chở theo hàng trăm khách lại có thể biến mất không tăm tích trong thời đại công nghệ giám sát không lưu tân tiến như hiện nay?


{keywords}
Một chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Ảnh: Shutterstock

Chiếc Boeing 777, mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur lúc rạng sáng ngày 8/3 để lên đường tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, các bộ phận kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với máy bay chỉ không đầy 1 giờ đồng hồ sau đó, khi nó bay phía trên Vịnh Thái Lan. Cho đến nay, số phận của chiếc máy bay phản lực chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn hiện vẫn còn là một bí ẩn bất chấp nỗ lực tìm kiếm của Malaysia, Việt Nam và các nước khác.

Theo ông McGuirk, các cơ quan kiểm soát không lưu theo dõi các máy bay phản lực thương mại nhờ sử dụng 2 loại radar. Radar "chính" xác định vị trí của một chiếc máy bay bằng cách phân tích các tín hiệu gửi đến và phản hồi từ máy bay. Trong khi đó, radar "phụ" hay "tăng cường" đòi hỏi thông tin do máy bay cung cấp và chuyển về thông qua một thiết bị gắn trên máy bay gọi là hệ thống tiếp sóng.

Các trạm radar được đặt trên mặt đất và mỗi cơ sở này có tầm kiểm soát khoảng 320km. Vì vậy, các máy bay phản lực chở khách trong những chuyến bay xuyên biển có thể rời khỏi bản đồ radar trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, không ai theo dõi được chúng.

"Các tổ bay sử dụng kết hợp các mạng radio tần số cao (HF), thông tin liên lạc bằng giọng nói qua vệ tinh và dữ liệu văn bản để báo cáo bộ phận kiểm soát không lưu (ATC) về thời gian, vị trí và đường bay chính xác khi chuẩn bị bay qua biển. Họ sau đó sẽ cập nhật với ATC các báo cáo tiến trình bằng giọng nói hoặc văn bản ở những vị trí địa lý và khoảng thời gian định trước. Các hãng hàng không lập hồ sơ kế hoạch bay và các máy bay được trông đợi sẽ đến các điểm nhất định vào những khoảng thời gian nhất định. 

Khi phi hành đoàn không đăng ký ở điểm đến tiếp theo, đó là khi dấy lên chuông báo động. Sự cố đối với máy bay Malaysia là trường hợp vô cùng hiếm, đặc biệt với máy bay công nghệ tân tiến trên không như hiện nay", Emily McGee, chuyên gia thuộc Quỹ An toàn bay, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Virginia, Mỹ, giải thích. 

Các máy bay phản lực thương mại cũng có thể rời khỏi bản đồ radar trong thời gian ngắn khi chúng bay ở độ cao thấp, vì hoạt động của các radar dựa vào dạng liên lạc "tầm nhìn không có vật cản" (Line-Of-Sight). Đồi núi và các dạng địa hình khác cũng như độ cong của Trái đất có thể chặn tín hiệu tới hoặc phát đi từ những trạm radar gần nhất.

Do đó, cơ quan kiểm soát không lưu có thể rất khó theo dõi liên tục các máy bay phản lực bay thấp, đặc biệt nếu thiết bị tiếp sóng của chúng bị vô hiệu hóa. Thực tế này từng bị những kẻ khủng bố lợi dụng khi tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Sau khi tắt thiết bị tiếp sóng, chúng đã cho máy bay quay ngược trở lại, đâm vào mục tiêu lựa chọn.

Theo giáo sư McGuirk, về mặt lý thuyết, nếu ai đó muốn đánh cắp máy bay chở khách của Malaysia Airlines, họ có thể tắt thiết bị tiếp sóng và hạ thấp độ cao bay tới khoảng 1.520 mét mà không bị các radar phát hiện.

Ông McGuirk đã so sánh sự biến mất của máy bay MH370 với chiếc phi cơ mang số hiệu 447 của hãng hàng không Pháp Air France, vốn mất tích trên Đại Tây Dương vào tháng 6/2009 sau khi trong hành trình từ Rio de Janeiro tới Paris. Máy bay Pháp đã bị rơi xuống biển trong thời tiết xấu, làm toàn bộ 228 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Mất 5 ngày thì người ta tìm ra mảnh vỡ của chiếc máy bay, nhưng phải gần 2 năm sau nhà chức trách mới xác định được vị trí và khôi phục các hộp đen trục vớt từ dưới đáy biển.

Tuy nhiên, sự biến mất của máy bay MH370 được cho là bí ẩn hơn nhiều. Sự cố xảy ra khi máy bay Pháp đã ở xa ngoài khơi, vượt quá tầm kiểm soát của các trạm radar. Trong khi đó, máy bay Malaysia mất tích khi dường như không ở xa đất liền.

Các chuyên gia hàng không nhận định, bộ phận tiếp sóng của máy bay MH370 có thể đã ngưng hoạt động. Điều này có thể xảy ra nếu ai đó cố tình tắt nó hoặc thiết bị gặp lỗi nào đó, hoặc do máy bay bị rơi hoặc nổ tung trên không. Dẫy vậy, đây vẫn chỉ là các phỏng đoán chưa được xác thực. Bạn bè và gia đình những người có mặt trên chuyến bay MH370 vẫn mỏi mắt chờ tin về họ và không nguôi hy vọng.

Tuấn Anh (Theo Live Science)