Việt Nam là nước đang phát triển, tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày càng cao. Mỗi năm các sản phẩm từ nilon được sản xuất đưa ra thị trường rất nhiều vì sự tiện lợi cũng như dễ sử dụng của nó, có thể áp dụng trong ngành bao bì, ngành thực phẩm, ngành thủ công nghiệp. Tuy nhiên các sản phẩm từ nilon chủ yếu là nhập từ nước ngoài về chính điều này đã làm cho giá thành cao.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hiện nay trong nước đã có rất nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ nilon, hoặc sử dụng nilon để sản xuất gá quai nón lá, ghế ngồi, tủ, túi xách, cặp…
Quy trình làm nón lá thủ công đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và nhân lực để cắt nilon sợi |
Tuy nhiên đây chỉ là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, vẫn áp dụng các biện pháp thủ công dùng dao kéo cắt thành sợi, ở một số doanh nghiệp khác có áp dụng máy móc nhưng chủ yếu là các thiết bị máy móc thô sơ để sản xuất. Chính vì vậy, chất lượng của sản phẩm của các doanh nghiệp này không đồng đều, đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Trong đó, giá thành và chất lượng sản phẩm luôn là những vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Đứng trước những yêu cầu đó, rất nhiều cơ sở chế biến đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến nilon để tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Nhưng chi phí của các hệ thống, dây chuyền này không hề rẻ và không phải cơ sở nào cũng có khả năng đầu tư. Hơn nữa hầu hết các loại máy trên thị trường chủ yếu là nhập từ nước ngoài về, chính vì vậy mà chi phí sản xuất rất cao.
Vấn đề đặt ra là cần có một loại máy có thể nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công và phù hợp với quy trình sản xuất nhưng giá thành phải nằm trong khả năng đầu tư của các cơ sở có quy mô nhỏ.
Tại một số doanh nghiệp thủ công ở Tp. Biên Hòa, Đồng Nai, tuy đã áp dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất với mong muốn nâng cao năng suất và tối ưu hóa sản phẩm của mình, nhưng công ty vẫn còn nhiều công đoạn chưa thể tự động hóa vì vẫn chưa tìm ra phương án áp dụng cho yêu cầu từ chất lượng sản phẩm.
Điều này đã gây ra những ảnh hưởng không tốt đến năng suất cũng như lợi nhuận, khi mà chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc quá nhiều vào lao động, quy trình sản xuất mang tính thủ công, không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm.
Trên thực tế, nhựa nilon là một sản phẩm rất thông dụng trên thị trường được ứng dụng rất rộng rải được dùng làm bàn, ghế, đồ thủ công mỹ nghệ…Tuy nhiên loại nhựa nilon mà nhóm nghiên cứu gia công cắt ra ở đây là một loại nhựa phế thải, thay vì đem đi tái chế lại thì có thể cắt thành sợi và bán cho người tiêu dùng với giá rẻ.
Cắt nilon thành sợi 6mm để định hình nón là chi tiết quan trọng trong việc sản xuất nón lá. Công đoạn cắt sợi này hiện nhiều nơi đang được thực hiện thủ công, đòi hỏi công nhân phải dùng kéo để cắt, vì vậy mà sợi cắt thường không đều và sợi dây hay bị đứt. Vì nhiệt độ nóng chảy của loại nilon này là rất thấp, nên việc gia công là rất khó khăn nếu dùng phương pháp cắt trục hay cắt ma sát cao.
Từ những thực trạng bất lợi đó, các doanh nghiệp đã cố gắng không ngừng nhằm nâng những quy trình từ sản xuất thủ công trở thành sản xuất tự động hoặc bán tự động, mong muốn tạo được những điều kiện tốt nhất, để phục vụ cho sự phát triển của công ty nói riêng và ngành nghề thủ công trong khu vực nói chung.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều máy cắt nilon thành sợi, tuy nhiên không phải mặt hàng sản xuất từ nilon loại nào cũng có hoặc nếu có thì giá thành rất cao đòi hỏi người công nhân phải có trình độ nhất định để có thể vận hành được máy.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, nhóm nghiên cứu tại công ty Lan Phương Thành Phát (đơn vị sở hữu sáng chế) đã tính toán chi tiết dựa trên cơ sở lí thuyết và thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp. Có khá nhiều nhiều phương pháp có thể áp dụng trong thực tiễn nhưng phương pháp cắt bằng dao rọc giấy phù hợp hơn cả bởi những ưu điểm của nó. Nhóm đã thiết kế và đưa ra bản vẽ tổng thể của máy và lắp ráp thử nghiệm.
Máy đã được thử nghiệm và mang lại hiệu quả thực tế, có thể ứng dụng rộng rãi |
Hiện nay máy đã chạy thử nghiệm tại xưởng cơ khí của trường và ban đầu đã thu được một số kết quả khả quan. Máy chạy ổn định, cắt chính xác, sợi cắt ra đều. Máy hoạt động ổn định với năng suất 5 cuộn sản phẩm/giờ. Thiết kế máy dễ sử dụng và bảo dưỡng, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, theo ước tính cụ thể, máy có thể thay thế cho 10 công nhân, tiết kiệm cho doanh nghiệp một năm 350 triệu đồng. Nếu được triển khai rộng rãi, thiết bị này có thể gia tăng năng suất của doanh nghiệp cũng như đảm bảo các yếu tố cạnh tranh về giá thành của sản phẩm.
Phong Vũ
Đề xuất 6 giải pháp ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong khuôn khổ Hội nghị do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nền tảng đổi mới KH&CN.