Sáng 10/7, tại Văn phòng Hà Nội của Công ty CP May Nam Định (May Nam Định), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam– Ông Lê Tiến Trường đã chủ trì buổi làm việc với HĐQT, CQĐH và cán bộ chủ chốt của May Nam Định về sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Ban của Tập đoàn. Về phía May Nam Định có ông Phạm Văn Tân – Phó TGĐ thường trực Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT May Nam Định, ông Phạm Minh Đức, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và cán bộ chủ chốt của Công ty.
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và dự kiến kết quả cả năm, ông Phạm Minh Đức – Tổng Giám đốc May Nam Định nêu rõ: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của đơn vị ước đạt 420 tỷ đồng, trong đó 90% đến từ doanh thu FOB, lợi nhuận ước đạt 10 tỷ đồng. Ước tính cả năm 2024, doanh thu công ty đạt 700 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2023. Hiện nay Công ty đã có đủ đơn cho năm 2024 và bắt đầu làm việc về đơn hàng quý 1,2 năm 2025. Để nâng cao hiệu quả quản trị, đảm bảo năng lực nội tại và bộ máy vận hành của công ty phù hợp với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Công ty đang tập trung số hóa, ứng dụng CNTT trong hoạt động SXKD và điều hành nhằm tối ưu hóa chi phí, phát huy hiệu quả trên nền tảng số”.
Về kết quả hoạt động của May Nam Định trong 6 tháng đầu năm và cả giai đoạn vừa qua, Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định: “Trong giai đoạn từ năm 2018 trở lại đây, mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh, May Nam Định đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về tái cơ cấu công tác khách hàng, thị trường trong đó định hướng chuyển sang sản xuất FOB; tập trung được nguồn lực để cải thiện thu nhập, đời sống của NLĐ. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty cần xác định rõ chiến lược 5 năm tới để từ đó xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với các điều kiện cần như con người, hệ thống quản lý, công nghệ…”.
Hiện nay, hệ thống phần mềm mà May Nam Định đang sử dụng phân mảnh theo nhiều loại phần mềm khác nhau, không đảm bảo đồng bộ và không có quyền tự chủ dữ liệu ở một số mô-đun. Do đó, Chủ tịch đánh giá cao kế hoạch của May Nam Định trong việc tự xây dựng hệ thống ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) toàn diện cho Công ty và hướng tới áp dụng được cho các doanh nghiệp dệt may ở quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Chủ tịch đề nghị May Nam Định cần xác định rõ nhu cầu sử dụng của mình, phân tích SWOT đối với các loại 4 mô hình hệ thống ERP cho doanh nghiệp dệt may hiện có trên thị trường, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp theo định hướng khách hàng của Công ty từ đó xây dựng ERP dựa trên nền tảng có yếu tố khác biệt so với các ERP hiện hành. Bên cạnh đó, cần định vị quy mô đầu tư hệ thống ERP theo phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa. Chủ tịch đề nghị Ban lãnh đạo May Nam Định chỉ đạo sát sao việc xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho dự án xây dựng hệ thống ERP này và báo cáo lại trong thời gian sớm nhất.
Nam Cao