Áp lực luôn là điều cần thiết
- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến công việc của một MC như chị?
MC là một nghề thú vị, phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Bản thân tôi vẫn luôn gắn bó với truyền hình đặc biệt là những chương trình trải nghiệm thực tế. Chính vì thế đại dịch khiến công việc gắn với niềm đam mê khám phá, xê dịch của tôi phải tạm đứng yên hơn 1 năm nay. Thế nhưng, tôi thấy mình còn may mắn, khi đợt dịch thứ 4 này vẫn còn chương trình để làm, thậm chí có cơ hội mới với Cà phê sáng VTV3.
MC Xuân Quỳnh và MC Đức Bảo trên 'Cà phê sáng'. |
Với sự kiện, trước kia sẽ có khán giả bên dưới nhưng trong bối cảnh mới, MC chúng tôi cũng thích nghi theo cùng chuyển đổi số. Có chương trình chúng tôi biến thành cả ekip, tự làm nội dung, trang điểm, tự làm trường quay tại gia. Làm vậy mới thấy bộ phận nào trong ekip cũng quan trọng, cũng cực lắm. Với những chương trình đặc thù, chúng tôi lần đầu lên hình cùng chiếc khẩu trang. MC nữ chúng tôi còn đùa nhau, đi dẫn bây giờ trang điểm vùng mắt thôi (cười).
- Trong khoảng thời gian này, công việc bị hạn chế, chị làm gì để cân bằng cảm xúc của mình và giảm bớt lo lắng?
Là tôi cứ để lo lắng diễn ra và quan sát kỹ sự mất cân bằng của mình. Nghe sai sai phải không? Nhưng đó là trải nghiệm mà đã tôi nhận ra, rằng việc ghi nhận những cảm xúc tiêu cực nhiều khi cũng quan trọng không kém. Bản thân tôi có lúc hơi ám ảnh quá với việc phải cân bằng, phải luôn tích cực khiến mình rơi vào trạng thái phán xét bản thân hay còn thấy nặng nề hơn mỗi khi không kiểm soát được suy nghĩ tiêu cực, lo lắng.
Suy nghĩ tích cực là đúng nhưng không có nghĩa phải luôn như vậy, không có nghĩa mình phải cố gạt bỏ hay chạy trốn những cảm xúc, suy nghĩ khác. Chọn đối diện và ghi nhận mới là cách tốt nhất để sớm lấy lại thế cân bằng.
- Công việc của chị vốn đã áp lực, trong thời gian này chắc hẳn sẽ còn áp lực hơn?
Áp lực thực sự là một cảm giác 'gây nghiện'. Tôi hay chia sẻ như vậy nếu cứ có ai hỏi. Nếu không có áp lực, tôi sẽ vẫn còn non nớt và thô ráp bởi sống và làm trong một môi trường thiếu áp lực sẽ luôn có một nguy cơ chực chờ, đó là sự dễ dãi với hành trình phát triển bản thân.
Với MC chúng tôi, trước mỗi chương trình khó là muôn vàn áp lực, từ lịch trình, xử lý nội dung, yêu cầu từ ekip, áp lực trước ống kính máy quay, hàng ngàn khán giả… thậm chí là áp lực với câu hỏi: Mình làm được không? Chuyện gì sẽ xảy ra?… Nhiều lúc, tôi bị áp lực, cảm thấy như có tảng đá vô hình đè nén trong lòng mình, không dễ thở chút nào. Nhưng cái hay là những áp lực ấy lại khiến tôi có cảm giác muốn chinh phục. Sau khi vượt qua được, tôi thấy nhẹ lòng, xen lẫn chút tự hào về bản thân. Mỗi người đều sẽ phải đối diện với những áp lực riêng của mình thôi. Không chỉ công việc, áp lực luôn là điều cần thiết trong mọi mặt đời sống.
Kỷ niệm đáng nhớ khi dẫn Cà phê sáng
- Với các buổi dẫn 'Cà phê sáng' trực tiếp, với chị đâu là khó khăn?
Khó khăn lớn nhất đó là làm trực tiếp vào buổi sáng. Chương trình lên sóng trực tiếp trên VTV3 mỗi ngày vào lúc 6h30. Các thành viên trong ekip như trưởng nhóm sản xuất, đạo diễn hình, các biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên phải thức giấc từ 4h, 5h sáng hoặc trực cả đêm. MC chúng tôi sẽ tự soạn lời dẫn dựa trên nội dung chính của biên tập vào ngày hôm trước. 5h-5h30 sáng MC đến chuẩn bị trang điểm, trang phục. Đúng 6h chúng tôi có mặt tại trường quay để sẵn sàng lên sóng.
Thời gian đầu với người mà việc dậy sớm luôn là cuộc đấu tranh gian nan nhất thì việc sao cho tươi tỉnh, năng lượng, tự tin và vượt qua áp lực của một chương trình trực tiếp thì quả là thử thách. Thử thách cả cách điều chỉnh nhịp sinh hoạt cá nhân. Có những thời điểm tôi còn loay hoay, thể lực và tâm lý cũng có đôi chút ảnh hưởng, từ đó có những buổi dẫn chưa thực sự trọn vẹn. Nhưng tôi đang dần bắt nhịp và thích nghi. Mọi trải nghiệm đều có mục đích thử thách và giúp mình hoàn thiện nốt những phần thiếu sót trong mình.
Vì trực tiếp khung giờ sáng sớm, với một chương trình tổng hợp, nhiều tiểu mục nhiều tương tác như Cà phê sáng thì không thể tránh khỏi những tình huống bất ngờ. Có những sự cố khiến MC bị bối rối, đòi hỏi sự bình tĩnh để xử lý. Chính vì tình huống trực tiếp nhiều nên khi được dẫn cùng các anh chị tiền bối giàu kinh nghiệm, tôi học được nhiều lắm.
- Như chị nói dẫn chương trình trực tiếp, nhiều tương tác như 'Cà phê sáng' thì không thể tránh khỏi những tình huống bất ngờ. Vậy có kỷ niệm sự cố, tình huống nào khiến chị nhớ nhất?
Tôi nhớ nhất lần lên sóng khi đang cùng đầu bếp chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thì máy đánh trứng bị trục trặc khiến bột bắn đầy ra mặt bếp và cả mặt 2 MC (cười). Bạn biết đấy, chương trình đang trực tiếp và MC được “tẩm bột”, khách mời liên tục xin lỗi và chưa biết xử lý ra sao, chúng tôi phải làm gì đây? Trong vài giây bối rối, tôi nhớ bài học nằm lòng các anh chị đã truyền lại rằng, đừng cố chống lại tình huống, hãy hoà vào tình huống và xem nó là chất liệu của chương trình. Sau đó, chúng tôi đã vui vẻ đùa rằng: Khán giả có thấy MC hôm nay cũng là những chiếc bánh mousse hấp dẫn không?, Làm bánh ít nhất phải vài lần lấm lem... Đó sẽ là một sự cố đáng yêu và là kỷ niệm đáng nhớ tôi sưu tầm thêm được cho hành trình này.
Không sốt ruột vì kết hôn muộn
- Nhiều nữ MC truyền hình có vẻ lập gia đình muộn, chị cũng vậy. Liệu có phải do tính chất công việc bận rộn?
Tôi nghĩ, mỗi người sẽ có một chu kỳ phát triển, những bài học cần học riêng, có thời điểm thăng hoa trong công việc nhưng tình cảm thì không và ngược lại. Cũng có người tất cả đều thăng hoa hoặc đi xuống cùng lúc. Có người sớm, có người muộn. Tôi không lấy đời sống của người khác làm thước đo cho mình. Mình có quan tâm, học hỏi, nhưng nhất định không vì thế mà phải giống như số đông.
Lập gia đình cũng là một trong số nhiều lựa chọn khác chứ không hẳn là việc đến tuổi phải làm, đến người phải cưới. Tôi từng nghe những lời khuyên như: Con gái có thì; Phụ nữ làm thế thôi lấy chồng rồi ổn định đi… Nhưng thú thật khi bạn chưa muốn thì bận cũng chỉ là một lý do thôi, cái chính là tâm thế và điều kiện đã sẵn sàng hay chưa.
Phụ nữ có người cần học những bài học sớm hơn mình về cách chăm sóc gia đình, thiên chức làm mẹ làm vợ, xây dựng và giữ gìn tổ ấm. Đó là hành trình của họ còn mình nếu chưa đến lúc thì có sao đâu. Cần học những bài học và những trải nghiệm khác của mình trước, tất cả đều có giá trị như nhau.
- Với những bình luận tiêu cực, chị đã từng phải đón nhận nó như thế nào? Có bình luận nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến chị?
Tất nhiên khi đó không ít thì nhiều mình sẽ bị “tiêu cực hoá” theo, còn ảnh hưởng nghiêm trọng thì chưa. Tôi cũng đang học cách quản trị cảm xúc cá nhân. Điều này rất quan trọng, mình cần tăng cường sức đề kháng cho cảm xúc, tâm lý của mình để tránh gục ngã nếu chẳng may có “bão”. Trong một lần được phỏng vấn một chuyên gia tâm lý nọ, tôi rất tâm đắc câu nói của cô: Đánh giá của mọi người về mình mang theo những gánh nặng của họ.
Tôi còn học được “thuyết vòng tròn quan tâm”. Cái này rất thú vị và hữu ích. Cố gắng không để những gì không kiểm soát, không thay đổi được làm ảnh hưởng đến mình. Điều đó không dễ nên tôi vẫn đang rèn luyện mỗi ngày.
- Việc dẫn các chương trình trải nghiệm của VTV chắc hẳn cũng đem lại nhiều trải nghiệm cho bản thân chị. Chị thấy điều đó có ý nghĩa như thế nào với tuổi trẻ của mình?
Tôi đã gom góp được một thanh xuân không “nghèo”. Nó giàu ý nghĩa, dài và rộng như hành trình đi khắp Việt Nam mà mình đã rong ruổi. Tôi luôn âm thầm cảm ơn cuộc đời vì để có được hành trình ý nghĩa như vậy còn nhờ may mắn và cái duyên.
Các chương trình trải nghiệm như những tấm vé đặc biệt, cho mình khởi hành, chọn chỗ ngồi và đến những vùng đất kỳ diệu. Nơi đó đã cho tôi được tiếp xúc với con người ở mọi hoàn cảnh, công việc, môi trường sống khác nhau.
- Gần 10 năm làm nghề trong đó chị đã dành tới 8 năm với các chương trình trải nghiệm thực tế, đi khắp Việt Nam và nhiều nước khác. Bây giờ có vẻ chị đang tạm “dừng chân” để tập trung vào các chương trình ở trường quay. Vậy đây có phải là “bước ngoặt” cho một hành trình mới của chị?
Quả thực ai gắn với một công việc đủ lâu và miệt mài, khi nhìn lại sẽ phải vài lần giật mình. Từ cô sinh viên năm nhất ngây ngô tập dẫn trên sân khấu Học viện Báo chí đến giờ, gần 10 năm đã trôi qua rồi. Tôi đang nhớ câu rap của Đen Vâu: “10 như một bức hoạ, cũng may là trời đỡ xám hơn/ Thứ mà ta học được nhiều nhất là cách xin lỗi và lời cám ơn”.
Nếu lấy dấu mốc 10 năm là một chặng đường thì bây giờ đúng là tôi đang lấy đà cho một lần 10 năm tới. Sẽ là một chặng tiếp theo hứa hẹn những trải nghiệm quý giá khác chứ tôi chưa có ý định dừng chân ở đâu. Đi đến đâu mình sẽ học cách yêu từng hành trình đến đấy.
MC Xuân Quỳnh trong MV 'Ngày mới của tôi'
Minh Nguyệt
MC Diệp Chi xúc động viết tâm thư chia tay 'Đường lên đỉnh Olympia'
Sau 2 ngày thông tin được đăng tải rộng rãi trên truyền thông, MC Diệp Chi đã có những chia sẻ đầu tiên khi rời chương trình đã gắn bó với mình.