- Mẹ tôi năm nay đã gần 60 tuổi đầu và muốn đi bước nữa với một người trẻ tuổi hơn rất nhiều. Chúng tôi ngăn cản không được cũng đành chịu. Vấn đề chúng tôi quan tâm nữa là người thanh niên kia muốn lợi dụng mẹ tôi để hòng tẩu tán tài sản vì mẹ tôi rất dễ tin người. Tài sản của mẹ tôi hiện có cũng khoảng gần 3 tỷ đồng. Nếu thanh niên kia lợi dụng chỉ chung sống một thời gian rồi ly dị tôi sợ tài sản của mẹ sẽ bị mất. Tôi có cách nào để bảo vệ tài sản cho mẹ mình được không?
Luật sư Nguyễn Thành Công trả lời: Về độ tuổi kết hôn thì không có quy định giới hạn độ tuổi giữa nam nữ mà chỉ quy định nam 20, nữ 18 tuổi mà kết hôn thì không vi phạm pháp luật. Vì vậy việc ngăn cản của các con đối với mong muốn kết hôn của mẹ là hành vi trái pháp luật.
Liên quan đến việc “hậu kết hôn” của mẹ bạn trong vụ việc này là những ứng xử rất tế nhị và nhạy cảm cần phải có sự khéo léo của các con. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, thay thế Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có nhiều quy định mới, bạn có thể áp dụng quy định này để khuyên mẹ lựa chọn một trong các cách sau để bảo toàn tài sản được tạo lập trước khi đăng ký kết hôn với người thanh niên:
Ảnh minh họa |
- Thứ nhất, Tại khoản 1 điều 28 Luật HN&GĐ năm 2014 có quy định: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”. Như vậy, bạn phân tích rõ với mẹ về khả năng có thể xảy ra liên quan đến việc kết hôn để mẹ bạn nắm được và tự quyết định. Luật quy định rất rõ về việc vợ chồng có quyền có tài sản riêng và vợ chồng có quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Người mẹ có thể yêu cầu người thanh niên ký thỏa thuận về tài sản trước khi hai người đăng ký kết hôn; thỏa thuận này nêu rõ việc sử dụng, sở hữu, phân chia tài sản được tạo lập trước, trong thời kỳ hôn nhân. Thỏa thuận này phải được ký kết giữa 2 người và được công chứng thì mới có hiệu lực pháp luật.
- Thứ hai, nếu như giá trị tài sản 3 tỷ mà mẹ bạn đang nắm giữ là BĐS hình thành trong thời kỳ hôn nhân trước với cha bạn, thì việc xác định quyền định đoạt tài sản này cần được làm rõ để xác định phần mà mẹ bạn được hưởng. Sau khi đăng ký kết hôn, yêu cầu người thanh niên lập cam kết tài sản riêng của vợ. Cam kết này chỉ cần người thanh niên ký, có chứng thực là có hiệu lực pháp luật.
- Thứ ba: mẹ bạn có thể lập di chúc cho những người con và phân định rõ ràng những người hưởng tài sản để tránh những trường hợp tranh chấp và tẩu tán tài sản không đáng có, có thể xảy ra.
LS Nguyễn Thành Công CT Đông Phương luật Đoàn luật sư TP.HCM.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ