- Trước khi lấy nhau, chồng tôi từng nói: “Vợ không lấy người này thì có thể lấy người khác, nhưng bố mẹ anh thì chỉ có một. Em làm vợ anh thì phải xác định coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình, có thế anh mới thương yêu em hết đời được”.

TIN BÀI KHÁC

Nghe anh nói, tôi cũng chột dạ, nhưng vì quá yêu, hơn nữa những điều anh nói cũng không có gì sai trái nên tôi hứa sẽ yêu quý bố mẹ anh như bố mẹ mình. Vậy là sau khi kết hôn, chúng tôi cũng không ra ở riêng dù gia đình anh có đủ điều kiện mua nhà cho hai đứa.

Nhà chồng năm tầng rộng thênh thang, đầy đủ tiện nghi nhưng không có giúp việc, bởi bố mẹ chồng muốn tôi phải tự biết thu dọn quạnh quẽ nhà cửa. Bố mẹ anh đều là trí thức về hưu nên tính tình khá nghiêm khắc, cầu toàn. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều phải xin phép, hai ông bà đồng ý mới được làm.

Bắt đầu từ những điều riêng tư nhất như hai vợ chồng mua giường bao nhiêu tiền, chăn ga phủ màu gì, tủ quần áo, bàn trang điểm kê thế nào cho hợp tuổi đều được mẹ chồng chỉ định. Tôi dù thích mặc đồ màu trắng nhưng theo mẹ chồng, suốt ngày mặc như “nhà có tang” khiến tôi ái ngại, dẹp bớt sở thích của mình sang một bên.

Bữa ăn hằng ngày cũng không được tự ý quyết định. Từ ngày về làm dâu, tôi không còn được ăn những món mình ưa thích như gà chiên, gà rán hay sốt béo ngậy. Thay vào đó, thực đơn nhiều rau, hay những món ăn nhạt nhẽo được lặp đi lặp lại. Nếu thèm thuồng thì tôi sẽ tìm cách ra ngoài ăn, chứ không dám mua đồ về nhà. Nếu để mẹ chồng phát hiện, nhất định tôi sẽ bị chồng trách mắng thậm tệ.

Dù trước khi kết hôn, tôi đã xác định tư tưởng phải nhẫn nhịn hết sức có thể, vì nhà chồng toàn người gia trưởng và kĩ tính, nhưng càng nhịn, tôi càng không thể ngờ gia đình anh lại có thể quá quắt đến mức cạn cả tình người. Đối với con cái ruột thịt, bố mẹ anh mềm mỏng, khéo léo bao nhiêu, thì đối với con dâu, gia đình anh lạnh nhạt, soi mói bấy nhiêu.

{keywords}
Kết hôn xong, tôi phải đặt gia đình chồng lên trên hết (Ảnh minh họa)

Tôi tủi thân khóc thầm, lấy hết can đảm tâm sự với chồng mong nhận được sự chia sẻ, thì bị anh mắng té tát, chì chiết. Anh dùng những lời nói cay nghiệt mà nhiếc móc khiến tôi ngạc nhiên, bởi nói trước kia khi yêu nhau chưa bao giờ tôi thấy anh nặng lời như vậy. Với anh, bố mẹ anh là trên hết, là tất cả. Nếu tôi không làm bố mẹ chồng vừa lòng thì đó hoàn toàn do lỗi của tôi.

Tôi cứ cố gắng chịu nhẫn nhịn như vậy, cho đến một ngày bố đẻ tôi ngã bệnh, phải đi cấp cứu trên bệnh viện cách nhà gần 100 cây số. Mẹ tôi đang chăm cháu ngoại còn nhỏ, chị dâu vừa ở cữ, anh trai lại đi làm xa. Tôi sốt ruột đánh liều xin phép mẹ chồng cho về nhà chăm bố dăm bữa, nửa tháng, đến khi sức khỏe bố khá hơn, tôi sẽ thuê người chăm sóc. Thật không ngờ, mẹ chồng mặt nặng như chì. Bà thản nhiên:

Đã về làm dâu thì là con cái nhà này, phải có trách nhiệm với gia đình này. Không cần biết cô làm thế nào, đi chăm bố cũng được nhưng cứ đúng ba bữa phải về cơm nước dọn dẹp đầy đủ. Chúng tôi cưới vợ cho con trai để mong báo hiếu chứ không phải để hầu.

Nghe bà nói thế, tôi đứng chết trân. Tôi không hiểu tại sao một người có học thức đàng hoàng, lại có thể cư xử một cách thiếu tình người. Như giọt nước làm tràn ly, tôi cố gắng thu xếp công việc rồi gói ghém đồ đạc về nhà, mặc kệ tất cả. Chồng tôi chỉ gọi một cuộc điện thoại duy nhất để trách móc chứ không nghe vợ giải thích. Suốt thời gian sau đó, chưa một lần thấy bóng dáng anh lên thăm bố vợ.

Tôi cố giấu những giọt nước mắt đắng nghẹn khi bố mẹ hỏi khi nào con rể đến thăm. Cuộc đời quả thật không ai biết trước được chữ ngờ. Khi yêu thì nói bao lời ngọt ngào, đến khi cưới rồi mới vỡ lẽ. Tôi không muốn cuộc hôn nhân này tan vỡ, nhưng cứ nghĩ đến gia đình độc đoán đó, tôi lại cảm thấy đau lòng. Tôi có nên chấm dứt tất cả, tìm cho mình một lối đi riêng không?

Thanh Huyền

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn