Chỉ còn gần 1 tháng nữa là tới Tết mà lòng tôi rối bời, không biết năm nay có nên về quê chồng ăn Tết hay không. Vợ chồng tôi lập nghiệp ở TPHCM. Quê anh ở miền Trung, quê tôi ở miền Bắc.
Mọi năm chúng tôi đều về quê ăn Tết cả - cứ 2 năm về nội thì 1 năm về ngoại. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng giảm đáng kể. Chi phí mỗi lần về quê ăn Tết không bao giờ dưới 30 triệu. Đó là chúng tôi đã đi xe khách để tiết kiệm chi phí.
Chồng tôi là kỹ sư xây dựng, công việc phụ thuộc rất nhiều vào dự án. Năm vừa rồi, công ty anh ấy chỉ làm được một vài công trình nhỏ, thu nhập giảm còn khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Tôi làm nhân viên văn phòng, lương cứng cũng chỉ được 8 triệu. Năm nay, công ty gặp khó khăn, tôi bị cắt giảm một nửa tiền thưởng, còn anh chẳng có đồng thưởng Tết nào.
Con trai lớn của chúng tôi đang học lớp 2, đứa nhỏ vừa tròn 3 tuổi. Chi phí học hành, ăn uống và sinh hoạt đều đè nặng lên vai. Ở TPHCM, chúng tôi mới mua được một căn chung cư mini, tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết.
Năm trước, vợ chồng tôi cũng về quê chồng ăn Tết. Tính cả tiền vé xe, quà biếu bố mẹ chồng, lì xì cho con cháu họ hàng bên nội, rồi những khoản lặt vặt khác như tiền đi chợ, mua sắm... tổng chi phí lên đến 40 triệu đồng.
Chỉ riêng tiền quà cáp đã hơn 5 triệu vì họ hàng nhà chồng rất đông, chưa kể phong tục ở quê chồng khá cầu kỳ. Chúng tôi mang tiếng đi xa về, đều phải có quà riêng cho mỗi gia đình. Trẻ con lì xì ít nhất 50-100 nghìn đồng. Hầu như tiền chi tiêu Tết đều trông vào khoản thưởng Tết của chồng tôi.
Nhưng năm nay, số tiền đó không có. Nếu về, chúng tôi phải lấy tiền tiết kiệm ra để chi tiêu. Biết vợ chồng tôi năm nay khó khăn, ông bà ngoại đã gọi cho tôi nói năm nay không cần phải về quê ngoại. Nhưng nhà nội thì đâu dễ thông cảm như nhà ngoại.
Trong mắt họ nhà nội và mẹ chồng tôi, chuyện vợ chồng không về Tết đồng nghĩa với việc “không biết nghĩ cho gia đình”.
Tôi hiểu chồng cũng rất áp lực. Anh ấy là con trưởng, mỗi lần về quê phải đứng ra lo lắng nhiều việc, từ chuyện sắm sửa cho bố mẹ đến chuẩn bị Tết tươm tất để họ hàng tới chơi. Nhưng tôi cũng không thể không nghĩ đến 2 đứa con mình. Mất mấy chục triệu chi cho cái Tết, ra năm thiếu trước hụt sau, con tôi sẽ là người thiệt thòi.
Những ngày này, tôi đã bàn với chồng mấy lần. Ban đầu, anh ấy bảo: “Tết mà không về thì kỳ lắm, em ạ. Bố mẹ sẽ buồn, họ hàng cũng hỏi han đủ điều”. Nhưng rồi khi ngồi tính toán, anh cũng thấy lo.
“Hay là mình về mùng 2, ở lại 1-2 ngày rồi lên luôn, đỡ tốn kém”, anh gợi ý. Nhưng tôi hiểu, dù về ngắn hay dài, chi phí vẫn không giảm được là bao. Quà biếu, lì xì, vé xe 2 lượt - chẳng có khoản nào cắt giảm được.
Quyết định ở lại Sài Gòn cũng không dễ dàng. Chồng tôi thương bố mẹ già. Ông bà cả năm chỉ trông chờ dịp Tết để con cháu sum họp. Bà cũng không hề biết con cái khó khăn như thế nào, vì chồng tôi hay giấu mẹ, không thẳng thắn như tôi với nhà ngoại.
Cách đây mấy hôm, bà đã phấn khởi gọi lên khoe đang nuôi đàn gà, dự tính đụng lợn với hàng xóm, rồi năm nay gói bao nhiêu cái bánh chưng…
Càng nghĩ, tôi càng thấy bế tắc. Đã có lúc, tôi tự hỏi: “Mình có ích kỷ quá không?”. Nhưng rồi lại nghĩ: “Chẳng lẽ vì sĩ diện mà để cả nhà rơi vào khó khăn?”.
Tôi chỉ mong nhà nội hiểu cho hoàn cảnh của vợ chồng tôi. Không phải tôi không muốn về, chỉ là năm nay, mọi thứ quá chật vật.
Còn gần một tháng nữa là đến Tết. Tôi vẫn chưa dám chốt với chồng về việc ở lại hay về quê. Có lẽ, tôi sẽ gọi điện về nhà, tâm sự thật với bố mẹ chồng, mong ông bà thông cảm. Nhưng tôi cũng sợ nói ra, bố mẹ sẽ buồn, hoặc cảm thấy thất vọng.
Tôi biết, với một gia đình truyền thống như nhà chồng, việc con cái không về ăn Tết gần như là chuyện "không thể chấp nhận được".
Hạnh Chi (TPHCM)
Biếu mẹ đẻ 2 triệu tiêu Tết bị chồng kì kèo, đọc tin nhắn tôi chết lặng
Tôi còn nhớ như in lời anh nói lúc tôi gửi biếu mẹ đẻ 2 triệu tiêu Tết.
'Thắt lưng buộc bụng' để có tiền tiêu Tết
Sau một năm dịch bệnh khó khăn, nhiều người trẻ buộc phải tiết kiệm, tính toán nhiều hơn để dành tiền tiêu Tết.