- Khi bước chân về nhà chồng, trong lòng tôi đã xác định đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Bố mẹ chồng, chồng và em chồng là những người thân của tôi.

TIN BÀI KHÁC:


Vì lẽ đó, tôi chăm chút nhà cửa, đi chợ thì lựa những món ngon, tốt nhất cho gia đình. Tôi quan tâm đến thói quen, chế độ ăn uống của từng thành viên. Bố chồng tôi bị tiểu đường, nên ăn uống phải kiêng khem. Tôi lên hẳn thực đơn riêng cho ông. Lúc mẹ chồng tôi ốm đau, tôi đều chăm sóc hết lòng. Khi gia đình có công, có việc, tôi không nề hà điều gì. Ngay cả khi trong túi không còn tiền, tôi cũng chạy đôn chạy đáo đi vay mượn để lo việc nhà.

{keywords}
Ảnh minh họa

Những người quen biết ai cũng khen bà khéo léo, biết cách cư xử. Đối với tôi, bà luôn một điều con, hai điều mẹ, gặp họ hàng nhà tôi thì luôn miệng khen tôi nhanh nhẹn, chăm chỉ làm việc nhà. Lúc đó, tôi đã nghĩ mình thật may mắn vì gặp được mẹ chồng tốt.

Các cụ ta có câu ở trong chăn mới biết chăn có rận... Khi tôi mới sinh con, 2 tuần đầu, mẹ đẻ tôi lên chăm. Mẹ chồng tôi tỏ ra rất quan tâm, chu đáo. Thấy con cứng cáp, lại nghĩ có mẹ chồng tôi chăm nom chu đáo nên mẹ đẻ tôi cũng yên tâm về quê sớm. Bà về hôm trước, hôm sau, tôi đã phải tự xuống bếp nấu cơm. Khăn tã của con tôi cũng phải tự giặt. Mẹ chồng tôi vốn khéo nên bà không bao giờ kêu tôi làm những việc đó. Nhưng mỗi lần làm việc gì đó xong thì bà lại kêu ca kiểu: “già rồi, bế trẻ con được tí đã đau lưng”. Vì thế, tôi lại cố gắng làm.

Chồng tôi đi làm đến tối muộn mới về. Thi thoảng anh cũng giúp đỡ tôi, nhưng nếu bà nhìn thấy anh làm những việc đó thì lại rất nhẹ nhàng bảo tôi: “Chồng con đi làm cả ngày mệt rồi, tối về để nó nghỉ ngơi, chơi với con. Ở nhà có gì 2 mẹ con mình bảo nhau làm”. Nói thì nói vậy, nhưng việc lớn việc nhỏ trong nhà vẫn đến tay tôi. Dần dần, tôi nhận ra thái độ của bà với mình chỉ là bề ngoài chứ không thật lòng. Dù vậy, tôi nghĩ mình cứ hoàn thành trách nhiệm của phận làm con thì rồi bà cũng sẽ hiểu.

Cho đến một lần, vô tình tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa mẹ chồng và em gái bà, do điện thoại bàn ở các tầng nhà tôi thông nhau. Những gì tôi nghe được trái ngược với những gì bà vẫn thường nói về tôi. Trong cuộc nói chuyện đó, bà chê tôi quê và “may lắm” mới lấy được con trai bà, vừa có hộ khẩu thành phố vừa sẵn nhà để ở, chứ “cái ngữ đấy chỉ có nước về quê”. Sốc nhất là khi bà buông 1 câu: “ôi, nó tỏ vẻ tử tế thế thôi chứ chắc có mục đích cả. Nó có phải ruột thịt, máu mủ nhà mình đâu”.

Nghe xong tôi thấy bàng hoàng. Hóa ra những tình cảm của mình từ trước đến giờ bị coi rẻ như thế. Tôi những tưởng, mình cứ hết lòng với mọi người, dẫu cho không phải máu mủ ruột thịt thì dần dần họ cũng thương mình, coi mình như con. Nhưng có lẽ, đó chỉ là suy nghĩ của riêng tôi. Từ xưa, các cụ ta đã có câu mẹ chồng – nàng dâu khác máu tanh lòng. Tôi thấy mình đã quá ngây thơ khi tin rằng mẹ chồng cũng có thể giống như mẹ mình.

Ngọc Hiền

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn