Mấy chị hàng xóm, nhà có điều kiện, công ty làm ăn đi lên, mỗi năm được du lịch gần xa mấy lần. Công việc của tôi thì ngày càng sa sút, từ giảm biên chế đến nghỉ luân phiên, thời gian đi làm ngày càng ít đi đồng nghĩa với thu nhập chỉ còn đủ nuôi bản thân một cách chật vật.

Tôi cứ tự động viên rằng, phải cố gắng và tiết kiệm hết mức để nuôi con ăn học. Nhưng trong thâm tâm, tôi buồn vì rất nhiều lý do.

Những câu hỏi dằn vặt bản thân: Vì sao mình không năng động để kiếm thêm thu nhập, sức ì của mình cao quá, cứ dậm chân tại chỗ mãi thế này cuộc sống làm sao khấm khá lên?

Ngay chính người thân trong gia đình thỉnh thoảng cũng lo xa, lười làm như thế thì lấy đâu ra tiền mà trang trải mọi thứ, từ ăn uống hàng ngày, đến việc học của con hay lúc ốm đau tiền đâu mà chữa bệnh?

cuoc song.jpg
Những bông hoa trong vườn luôn là liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm

Nhu cầu của bản thân có bao giờ đứng yên? Khi vợ chồng tôi tay trắng lấy nhau, con nhỏ phải đi thuê nhà thì chỉ ao ước mua được gian tập thể nhỏ an cư, tự mình trang trí nhà, trồng vài cây hoa trước hiên là mãn nguyện.

Thế rồi con lớn, hai vợ chồng hai đứa con trong gian nhà chật chội, ẩm thấp, cứ trời mưa là nền nhà và một góc giường ướt sũng. Hàng xóm xung quanh lần lượt xây nhà tầng khang trang, còn lại nhà mình bé tí, lọt thỏm đến tội nghiệp.

Cậu bé hàng xóm sang chơi nói rất thật với con gái tôi: “Nhà mày giờ bé nhất, xấu nhất khu này”. Con gái kể với giọng điệu buồn bã rồi hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ mình xây nhà mới, con sẽ đưa hết tiền tiết kiệm trong con lợn nhựa cho mẹ?”.

Tôi không thể quên được những đêm dài, ngắm con ngủ say mà mình đăm chiêu tư lự. Các con hồn nhiên quá, lúc nào cũng chỉ mơ được ăn ngon, mặc đẹp và ở trong ngôi nhà đàng hoàng, đầy đủ như nhà chị hàng xóm.

Thời gian ấy lại là quãng thời gian sóng gió của gia đình tôi. Chồng ốm đau, nằm viện và nghỉ dưỡng cả mấy tháng liền rồi quyết định nghỉ việc ở đơn vị, công việc đã gắn bó gần 20 năm để chuyển việc mới.

Anh đi làm thêm thì trắc trở, bị chủ nhà chê làm không đạt yêu cầu nên cắt xén nửa tiền công. Công việc mới với biết bao áp lực khiến chồng tôi luôn cáu gắt, triền miên bia rượu với bạn bè đến khuya, trở về nhà người nồng nặc hơi men khiến tôi lo lắng căng thẳng suốt một thời gian dài.

Mỗi khi ăn cơm ở nhà, anh thường cáu gắt, mắng chửi con cái khiến con trai trở nên lầm lì và xa lánh bố. Suốt hơn một năm, tôi không cho phép mình ốm để chăm sóc gia đình, chồng con và gần như quên mất chính mình.

Khi chồng tôi ổn định công việc, tinh thần phơi phới thì cũng là lúc tôi gục ngã vì bệnh tật. Sau 2 tuần mất ngủ đau đầu, ăn uống kém, thần sắc nhợt nhạt, sút cân, tôi quyết tâm đến bệnh viện khám và lấy thuốc uống.

Thuốc chữa trầm cảm với nhiều tác dụng phụ khiến tôi gầy mòn xơ xác, đờ đẫn thê thảm, có suy nghĩ và hành vi thiếu kiểm soát. Tôi tuyệt vọng, đau đớn khi bệnh tật hành hạ mỗi ngày.

Các con vừa sợ vừa thương mẹ, chúng chỉ biết ủ rũ đi học, đi chơi, tha thẩn, ít cười đùa, học hành chểnh mảng. Chồng tôi lúc đầu còn chăm sóc, động viên tôi cố gắng sau đó cũng mặc kệ vợ, muốn ra sao thì ra với lý do chính đáng: bận công việc.

Tôi có lý do gì mà oán trách? 

Khi đi khám bệnh ở Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, tôi lang thang trò chuyện với một số bệnh nhân đang điều trị nội trú. Những ánh mắt ngơ ngác đau buồn, gương mặt vô hồn và giọng kể buồn bã, tôi cũng như họ không biết điểm tựa của mình ở đâu khi tôi cảm thấy cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa.

Sự chia sẻ, thấu hiểu và động viên từ người thân là quá hiếm hoi. Bạn bè, một số người cho rằng tôi sướng quá hóa rồ, không biết thương yêu bản thân và gia đình.

Những căn bệnh về tinh thần, luôn bị người khác cho là dở hơi, điên rồ, bị định kiến và xa lánh. Chỉ đến khi dịch Covid-19 hoành hành dữ dội và biết bao người mắc bệnh tinh thần hậu Covid-19, tôi mới thấy mình quá may mắn đã vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.

Đúng như thế, bệnh trầm cảm thể nặng được đánh giá mức độ tàn phá ngang bệnh ung thư và người bệnh thì luôn phải chống chọi rất khổ sở, đau đớn.

Tuổi trung niên, tôi chọn cách sống tối giản và luôn ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Làm thế nào để lòng mình thực sự thanh thản, có phải chỉ gói gọn trong hai từ “buông bỏ”?

Mình đã thực sự trân trọng và yêu quý bản thân mình chưa, hay vẫn chỉ là giỏi lý thuyết kém thực hành? Tôi không còn cái cảm giác đè nặng trái tim mình, khi thấy tài chính eo hẹp, có lúc tiền đóng học cho con, tiền đi viện phải vay mượn hay là đau đầu vì câu chuyện của người thân trong gia đình.

Tôi chỉ lắng nghe, đưa ra vài lời góp ý và nhanh chóng quên đi những va chạm mâu thuẫn với đồng nghiệp, hàng xóm. Tôi bớt đi những lời phán xét, nghi ngờ người này, người kia.

Tôi chọn cho mình cách sống nhẹ nhàng, yêu thiên nhiên, trân trọng bản thân, khó khăn nào cũng có cách vượt qua nếu mình thực sự cố gắng.

Ngày hôm nay mình khỏe mạnh, vui vẻ, điều ấy thật đáng quý biết bao!