Sau gần 2 tháng diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup) lần II năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” đã kết thúc thành công tốt đẹp. 

Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực - công tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo để cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảo bảo hài hoà các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”. 

Trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố 6 thông điệp quan trọng từ diễn đàn cùng với những định hướng và hành động cụ thể để phát triển kinh tế bền vững và khởi nghiệp sáng tạo tại ĐBSCL.

dong thap 7.jpg
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố 6 thông điệp quan trọng từ Diễn đàn Mekong Startup II

Thứ nhất, diễn đàn là “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sáng tạo và ứng dụng công nghệ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ cho khu vực ĐBSCL đến năm 2050.

Thứ hai, sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong. Mạng lưới này sẽ trở thành nền tảng hợp tác công - tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh tế xanh và chuyển đổi số, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, du lịch và các ngành công nghiệp xanh khác trên địa bàn.

Thứ ba, kết nối nguồn lực và thị trường. Thông qua các hoạt động của diễn đàn và Mạng lưới chuyển đổi xanh, khu vực ĐBSCL sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới. Điều này sẽ hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh - tuần hoàn và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh.

Thứ tư, tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh. Đây là tiền đề để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, các nhà khoa học tiếp tục đóng góp một cách có trách nhiệm cho bài toán dựng xây quê hương theo định hướng kinh tế mới.

Thứ năm, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững. Một trong những thành công quan trọng của diễn đàn lần này là sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ĐBSCL. Các mô hình và dự án khởi nghiệp hướng đến sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững, phục vụ lợi ích cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thu hút được đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng và vị thế của các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, sau Diễn đàn Mekong Startup II, Ban Tổ chức sẽ tập hợp toàn bộ ý kiến của đại biểu, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng... để xây dựng, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL.

Bạch Hân