Dưới đây là một số "bẫy" hàng hóa mà khách hàng nên lưu ý khi lựa chọn sản phẩm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
1. Sản phẩm đóng gói
Theo Brightside, các thực phẩm siêu thị tự đóng gói riêng lẻ được cắt lát hoặc chuẩn bị trong phần đồ nguội như phô mai, trái cây, thức ăn nhanh, rau trộn... rất có khả năng đã hết hạn hoặc sắp hết hạn. Ngày đóng gói sẽ không có ý nghĩa gì trong trường hợp này bởi nhãn này có thể thay đổi nhiều lần trong ngày.
Ngay cả những thực phẩm tươi sống trong bao bì này cũng sẽ nhanh chóng thu hút rất nhiều vi khuẩn. Đó là lý do tại sao bạn nên yêu cầu người bán đóng gói thực phẩm ngay trước mặt bạn hoặc chọn mua những hàng hóa được đóng gói tại nhà máy.
2. Cảnh giác với thực phẩm chế biến sẵn
Khi mua thực phẩm làm sẵn, hãy chú ý đến những món có nhiều tỏi và gia vị hoặc thảo mộc tươi, vì đây có thể là cách người bán ngụy trang nguyên liệu đã hết hạn.
Nếu chọn món salad, hãy nhớ rằng món salad với thịt hoặc cá thì nhanh hết hạn hơn món rau. Món salad với dầu trộn sẽ an toàn hơn món salad trộn với sốt mayonnaise.
Salad làm sẵn cần được để trong đĩa thủy tinh, có hộp trưng bày riêng, mỗi món có một muỗng múc riêng. Nhân viên phải đeo găng tay dùng một lần để lấy hàng cho khách.
3. Đóng gói đẹp mắt các mặt hàng thông thường
Một trong những mẹo bán hàng được các siêu thị áp dụng chính là việc làm cho hàng hóa thông dụng trở nên "long lanh" hơn về mặt hình thức bằng cách đóng gói đẹp mắt hơn. Ví dụ bình thường hộp sữa tắm và miếng tắm bọt biển được để riêng lẻ sẽ chẳng mấy ai bận tâm, nhưng khi nó được đóng trong 1 chiếc hộp thời trang, sang trọng, tự nhiên trông nó có giá trị và bắt mắt hơn, thúc đẩy khách hàng muốn mua hàng hơn.
Dĩ nhiên, giá của những bộ sản phẩm này thường cao hơn bởi vì các nhà tiếp thị biết rằng khi chọn mua nó là bạn đang có ý định coi đấy là món quà tặng cho người thân.
4. Kết hợp các mặt hàng
Đơn giản thôi: bạn mua bánh mì ngọt và ngay bên cạnh là những lọ mứt trái cây, thì sao nào? Thôi, tiện thể mua mứt luôn, dù bạn không có ý định đó trước.
Kỹ thuật kết hợp xếp đặt các mặt hàng tiêu dùng là cả một nghệ thuật đấy.
5. Bao bì
Khi mua thực phẩm nếu thấy bao bì bị ọp ẹp, biến dạng hoặc có các vết nút, thủng... thì tốt nhất không nên mua. Brightside lý giải rằng, những sản phẩm này có thể là dấu hiệu của việc lưu trữ, vận chuyển sai cách, thậm chí thực phẩm hết hạn.
6. Kiểm tra cẩn thận hàng hóa
Nhân viên cửa hàng luôn biết cách trưng bày hàng hóa một cách tốt nhất. Chẳng hạn, ánh sáng trong hộp trưng bày thịt sẽ làm cho mọi thứ trông tươi mới và hấp dẫn. Do đó, để biết rõ về chất lượng của thịt, bạn có thể yêu cầu nhân viên cửa hàng lấy cho mình một miếng thịt khác và tự kiểm tra, nó có thể trông khác biệt dưới ánh sáng bình thường.
Tương tự với thực phẩm đông lạnh, bạn đừng mua thực phẩm có nhiều vụn đá trên bề mặt, bởi đây thường là hàng hóa đã được đông lạnh và rã đông nhiều lần, không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người tránh mua thịt với một lớp màng khô ở trên vì cho rằng nó cũ. Song điều đó chưa chắc đã đúng, miếng thịt chưa hẳn đã cũ, nó khô là do đã tiếp xúc với không khí. Ngược lại, nếu một miếng thịt trông quá ẩm ướt thì rất có thể là các nhân viên cửa hàng đã cố gắng làm mới lại nó bằng cách đổ nước lên. Điều này sẽ khiến thịt bớt ngon hơn khi nấu chín.
7. Đánh lừa bằng nhưng chi tiết nhỏ của sản phẩm
Các nhà tiếp thị biết cách trình bày những ưu điểm của sản phẩm sẽ có thể đánh lừa khách hàng. Do đó, chỉ một vài chi tiết rất nhỏ trên bao bì khác đi, không phải khách hàng nào cũng nhận ra và có thể sẽ nhầm lẫn.
Ví dụ, chỉ nhìn thoáng qua, 2 chiếc hộp nước ép trên khá giống nhau, đều là nước lê ép. Nhưng nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy 1 hộp là nước ép táo có hương vị lê, điều đó khác hoàn toàn về chất lượng và giá thành nhưng khách hàng đôi khi lại không nhận ra được sự khác nhau trong cách trình bày ấy. Trong trường hợp này, các nhà tiếp thị vẫn có thể bao biện cho mình rằng họ đã trình bày trên sản phẩm, chỉ là khách hàng đã không tự nhận biết được mà thôi.
8. Thực phẩm có màu sắc sáng hơn bình thường
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm tươi sáng thì chất lượng sẽ tốt. Nhưng Brightside cho rằng quy tắc này không nên áp dụng cho thực phẩm. Chẳng hạn như trái cây, rau củ được trồng trên mặt đất thường có màu vỏ xỉn, đốm và các khiếm khuyết khác mặc dù chúng tươi ngon. Trái cây được trồng trong nhà kính rất đẹp và hấp dẫn nhưng chúng có thể chứa hóa chất.
Nhiều người nghĩ rằng một số phô mai càng sáng thì càng chứa nhiều chất béo và hương vị của nó càng ngon. Nhưng phô mai tự nhiên luôn có màu trắng hoặc hơi vàng. Màu vàng tươi chỉ đạt được bằng cách thêm màu. Phần lớn các phụ gia màu vô hại được làm từ hạt cây annatto nhưng màu sắc tươi sáng vẫn không phải là một tiêu chí để chọn phô mai tốt.
Hay màu sắc tươi sáng của cá hồi có thể đạt được bằng cách sử dụng màu hóa học. Một ví dụ khác là sốt cà chua và các loại nước sốt khác. Mặc dù chúng ta luôn bị thu hút bởi những chiếc lọ sốt sáng màu nhưng tốt hơn hết là bạn nên chọn nước sốt có màu tự nhiên.
9. Kích cỡ thay đổi khiến khách hàng mua nhiều hơn
Nhìn vào thanh socola này mới thấy "chiêu độc" của các nhà tiếp thị bán lẻ. Rõ ràng 2 thanh socola có trọng lượng bằng nhau nhưng cách chia ô to hơn đã khiến khách hàng có cảm giác không quá có nhiều ô và mình đang không ăn nhiều đồ ngọt. Bằng cách này, những tín đồ socola sẽ tự tin mua nhiều hơn.
Không chỉ vậy, siêu thị còn áp dụng chiêu giữ nguyên vỏ hộp, giảm giá thành nhưng… trọng lượng thực sự của sản phẩm đã giảm đi. Đây là cách khiến khách hàng nghĩ rằng mình đã mua được đồ như cũ với giá rẻ mà không hề biết rằng bạn chỉ là bỏ tiền ra ít hơn và mua về sản phẩm có trọng lượng ít hơn mà thôi.
Lời khuyên được đưa ra là:
Hãy chịu khó đi tìm hàng chất lượng
Để bán được hàng hóa đắt tiền hơn, các nhà bán lẻ đã đặt chúng lên các kệ dễ thấy nhất với tầm mắt người mua hàng. Những sản phẩm này có thể dễ nhận ra vì quảng cáo nhưng không có nghĩa là chúng được làm từ các thành phần chất lượng.
Ngoài ra để giảm thiểu tổn thất doanh thu vì hàng hóa hết hạn, nhân viên cửa hàng thường đưa hàng sắp hết hạn ra khu ngoài cùng dễ lấy nhất. Do đó, đừng lười biếng, hãy kiểm tra khu trưng bày phía trong để mua được hàng hóa tươi hơn và chất lượng tốt hơn.
Tìm hiểu thông điệp của nhãn hàng theo nghĩa đen
Các thuật ngữ thường được các cửa hàng, siêu thị sử dụng như "sữa mẹ", "mẹ làm" không phải là thực tế mà chỉ là do các nhà sản xuất đã cố gắng đặt cho sản phẩm một tên gọi dễ thương hay một tên khoa học hơn. Hay những món sữa chua kiểu Nhật, món phô mai-ohs và những cái tên kỳ lạ khác cũng không chứng minh sản phẩm chất lượng hơn.
Cũng đừng nên nghĩ rằng những dấu hiệu như không có đường, không có cholesterol, giàu vitamin, và những thứ khác là dấu hiệu của chất lượng. Trên thực tế, việc không có đường bổ sung, có nghĩa là có chứa rất nhiều chất ngọt hóa học và những thứ có chứa nhiều vitamin không phải lúc nào cũng tốt.
(Theo GiadinhNet)