Ông Hoàng Sen Đơ, thôn Cây Phay, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) cho hay, cây mía được người dân ở đây trồng khá lâu, nhưng lúc bấy giờ chưa có nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương nên đời sống của người dân trồng mía luôn bấp bênh. Mía đến mùa thu hoạch nhưng không có người mua nên bà con chán nản, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác nhưng đều thất bại, càng trồng càng nghèo.

Nhưng từ khi có nhà máy mía đường Sơn Dương thì đời sống của bà con đã thay đổi tích cực. Có người chỉ sau vài vụ mía đã cất được ngôi nhà mới khang trang bằng vật liệu kiên cố.

{keywords}
Người dân huyện Sơn Dương đnag thu hoạch mía

Huyện Sơn Dương là vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương nhưng đứng đầu về diện tích trông mía ở tỉnh Tuyên Quang lại là huyện Hàm Yên.

Trong đó, xã Thái Hòa của huyện Hàm Yên có 11 thôn đều trồng mía, tập trung nhiều nhất ở thôn Ba Luồng 27 ha, thôn Cây Cóc 25 ha, thôn Ninh Tuyên 28 ha..., giống mía được trồng chủ yếu là ROCH 10, ROCK 22.

Để sản xuất mía bền vững, chính quyền xã xây dựng mô hình thâm canh hơn 100 ha. Các gia đình tập trung chăm sóc mía bằng bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, bón phân đúng thời điểm, thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật.

Ông Lý Văn Hợp, thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) có nhiều mía nhất thôn với trên 5 ha. Vụ mía vừa qua ông thu trên 400 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.

Ông cho biết, năng suất mía của gia đình đạt khoảng 80 tấn/ha, gia đình có cuộc sống no ấm cũng từ mía. Có nguồn thu ổn định, ông Hợp cải tạo được nhà, mua được trâu, bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trương Ngọc Khởi, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có khoảng 20 hộ gia đình trồng 3 đến 4 ha mía, nhiều hộ dân nhờ trồng mía đã thoát nghèo. Toàn xã có trên 30 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm từ trồng mía. 

Để ổn định vùng mía nguyên liệu, hiện nay tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách tăng mức vay vốn cho người trồng mía. Theo đó, người dân sẽ được vay 40 triệu đồng/ha hỗ trợ lãi suất 100% để trồng mới hoặc trồng lại mía.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cũng đang rà soát lại diện tích trồng mía để làm căn cứ đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy lợi thế vùng chuyên canh cây mía cao, trọng tâm thực hiện dồn điền, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mía lớn, giảm dần diện tích mía manh mún đồi dốc cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo đột phá về giống, cơ giới hóa, phân bón, tưới tiêu… nhằm tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Nhìn hình ảnh những căn nhà lụp xụp đã lùi dần vào quá khứ và thay vào đó là những mái nhà mới được xây dựng kiên cố mọc lên, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 100% con em của nông dân được cắp sách đến trường là một minh chứng cho thấy cây mía không chỉ đơn giản là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu ở các vùng miền núi tỉnh Tuyên Quang.

Ngọc Dũng
Ảnh: Thu Hằng HP