Giới phân tích Mỹ muốn Microsoft phải trả lời được câu hỏi: "Vì sao người dùng phải chọn Windows cho các thiết bị di động, thay vì chọn iOS hay Android?"

{keywords}
Satya Nadella, tân Tổng giám đốc của Microsoft

Kể từ khi Satya Nadella ngồi thay chiếc ghế Tổng giám đốc của Steve Ballmer hồi tháng 2 năm ngoái, Microsoft đã thay đổi cực nhiều. Sự thay đổi lớn nhất, hiển nhiên chính là Microsoft không còn xác định Windows là ưu tiên số 1 nữa.

Trước đây, khi các bộ phận khác của Microsoft đề xuất một sản phẩm hoặc tính năng nào đó, các ban bệ lãnh đạo bên trên sẽ từ chối ngay vì họ muốn để dành tính năng đó cho Windows, hoặc lo ngại rằng tính năng/sản phẩm này nếu ra mắt sẽ làm ảnh hưởng đến doanh số của hệ điều hành con cưng.

Nhưng sang đến năm 2014, thái độ đó dường như đã biến mất.

Microsoft đã tung ra bản Office cảm ứng dành cho các nền tảng đối thủ như iOS của Apple và Android của Google trước cả phiên bản tương tự dành cho tablet và điện thoại Windows. Nadella nêu đích danh "phần mềm làm việc" là tâm điểm chủ lực của Microsoft, bao gồm cả Office, Exchange lẫn những phần mềm làm việc cá nhân như OneDrive, Skype và Outlook.com đều được ưu tiên. Tân Tổng giám đốc cũng đặt đám mây vào trung tâm của chiến lược kinh doanh mới, với Office 365 và Azure là những trụ cột sống còn.

Đúng, tất nhiên là nhiều thay đổi trên đây thực ra đã khởi phát từ dưới thời Ballmer, nhưng chúng chỉ thực sự hiện hữu, thành hình hoặc được nhấn mạnh một cách xuyên suốt, rõ ràng bởi Nadella mà thôi. Dưới sự chèo lái của vị Tổng giám đốc gốc Ấn, Windows không phải là không còn quan trọng, nhưng nó cũng chẳng phải là đứa con cưng nhất mực được chiều của Microsoft nữa.

Không phải người ủng hộ Windows nào cũng cảm thấy hài lòng về sự thay đổi này. Chuyên gia Paul Thurrott của Supersite for Windows cho rằng Microsoft cần phải đưa ra "dấu hiệu rõ ràng" về việc hãng sẽ dành sự quan tâm tương xứng cho Windows Phone cùng với iOS và Android. Nói cách khác, Thurrott muốn Microsoft trả lời câu hỏi: "Vì sao nên giữ cho người dùng tiếp tục lựa chọn Windows, nhất là cho các thiết bị di động?".

Rất nhiều người tin rằng Microsoft đã thua trong cuộc chiến nền tảng di động khi Windows Phone đã tụt sau các đối thủ trong một thời gian quá lâu. Việc Nadella chọn cách đưa các ứng dụng của Microsoft đến với những nền tảng có đông người dùng trước - giống như các hãng phát triển ứng dụng khác - là rất khôn ngoan. Nhưng còn một câu hỏi nữa mà gã khổng lồ phần mềm cũng phải trả lời cho được, ấy là :Vì sao giới phát triển lại nên xây dựng các ứng dụng dành cho Windows?

Câu hỏi này rất dễ trả lời nếu như là 15 năm trước. Vào năm 2000, hầu hết máy tính trên thế giới đều chạy Windows. Nếu như bạn muốn kiếm tiền từ việc bán ứng dụng, bạn cần phải xây dựng nó tối ưu cho Windows và trình duyệt IE.

Nhưng ngày nay, câu hỏi "Tại sao lại là Microsoft?" thực khó trả lời. Giới lập trình có thể tạo ra các ứng dụng cho Android và iOS và ngay lập tức tiếp cận với hơn 1 tỷ người dùng di động/ Họ cũng có thể sử dụng các công cụ web thời thượng nhất, chỉnh sửa các ứng dụng đôi chút cho từng trình duyệt cụ thể để tiếp cận thêm 1 tỷ người dùng online nữa

Windows vẫn hiện diện trong hơn 300 triệu thiết bị mỗi năm. Nhưng phát triển ứng dụng cho Windows không còn là con đường duy nhất để kiếm tiền nữa.

Tháng 4 năm ngoái, tại Hội thảo các nhà phát triển Build, Microsoft bắt đầu vạch ra lộ trình cho nền tảng phát triển kế tiếp với rất nhiều thông tin mới. Lấy thí dụ, hãng bắt đầu đề cập đến Windows 10, một nền tảng thống nhất cho cả điện thoại, tablet lẫn PC. Hãng cũng bắt đầu nhắc đến "Internet của vạn vật", các thiết bị nhúng cỡ nhỏ. Rồi cả nền tảng phát triển ứng dụng thống nhất, cho phép giới lập trình viết ra các ứng dụng dành cho cả Windows lẫn phi Windows cùng lúc.

Các mảnh ghép như vậy là đều đã có. Việc quan trọng nhất là Microsoft cần làm trong năm 2015 là phải làm rõ được và tiếp tục đi theo tầm nhìn đó. Hãng cần phải tạo điều kiện để giới lập trình viết ra các ứng dụng dựa trên những mã code cơ bản, khuyến khích họ sử dụng dịch vụ đám mây Azure trong những dịch vụ như lưu trữ dữ liệu, xác thực người dùng... Các ứng dụng của bên thứ ba cần tương tác được một cách dễ dàng với các dịch vụ đám mây khác của Microsoft như Bing, OneDrive, Office 365, Skype, cũng như tương tác với các thiết bị nhúng "internet của vạn vật" như vòng đeo tay thông minh, tủ lạnh....

Nói chung, danh sách thì rất dài, nhưng như Satya Nadella đã ngộ ra, giới lập trình chính là nhân tố quan trọng nhất mà Microsoft từng có và rất cần lúc này.

Phương Lâm