Sáng nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

Nước xa không cứu được lửa gần

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng công tác PCCC thời gian qua có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều hạn chế.

Đoàn giám sát đi thấy các vụ cháy chợ, cháy khu công nghiệp, cháy rừng thường xảy ra, trong khi đó công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Bên cạnh đó, trang thiết bị PCCC có 50% là cũ và lạc hậu, có thiết bị trên 20 năm, khi xảy ra cháy lại không vận hành được, hàng nghìn trụ nước ở các địa phương thiếu nguồn nước...

"Các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, xe thang không đến được thì không hiểu ta có trực thăng chữa cháy chưa, nếu không rất nguy hiểm", Chủ nhiệm UB Kinh tế băn khoăn.

Ông cũng lo lắng về con số còn hơn 2.600 công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa có thẩm định chữa cháy, đặc biệt nhiều chung cư cao tầng dân vào ở chưa có nghiệm thu PCCC.

"Không hiểu khi xảy ra hỏa hoạn chết người thì trách nhiệm thuộc về ai. Đoàn giám sát cần chỉ ra điểm này", ông đề nghị.

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế, cũng cần phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, DN chủ đầu tư trong việc vì tiết kiệm chi phí mà đưa trang thiết bị PCCC cũ kỹ, lạc hậu vào, báo cháy không phát hiện cháy, khi phát hiện cháy không chữa cháy được.

"Nếu cơ quan quản lý nghiêm ngay từ đầu thì chủ đầu tư không dám làm như thế", Chủ nhiệm UB Kinh tế nhấn mạnh.

Ông Thanh cũng chỉ ra kinh phí từ ngân sách cho công tác PCCC rất hạn chế, chỉ gọi là hỗ trợ. Ông đề nghị đoàn công tác chỉ ra địa phương nào làm tốt, bố trí đủ ngân sách cho công tác PCCC.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, vừa qua Quân ủy TƯ quán triệt toàn quân thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ứng phó kịp thời với hỏa hoạn, đặc biệt là các vụ cháy rừng.

Tháng 7 vừa qua do nắng nóng kéo dài và sự chủ quan của một số người dân đã xảy ra cháy rừng quy mô lớn, Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 10.000 lượt bộ đội và hàng nghìn phương tiện.

Ông đưa ra một loạt đề xuất trong đó có việc tăng cường đầu tư cho lực lượng chữa cháy tại chỗ. Nếu tại chỗ không có lực lượng đủ mạnh và thiết bị chữa cháy kịp thời thì nguy cơ bùng phát rất lớn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dẫn lại câu "Nước xa không cứu được lửa gần" và đề nghị đầu tư, làm sao nâng cao hiệu quả lực lượng chữa cháy tại chỗ. Đồng thời đánh giá xây dựng họng nước, bể nước và bến nước chữa cháy.

"Muốn chữa cháy thì nước rất cần thiết. Nhiều vụ cháy xảy ra gần sông nhưng xe không lấy nước được vì không có bến", ông phân tích.

Nhắc lại các vụ cháy rừng liên tục gần đây, ông Chiến cho rằng do chưa làm tốt các đường băng cản lửa.

"Nhiều nước họ làm đường băng cản lửa tốt, chúng ta có những cánh rừng bạt ngàn nhưng không làm được đường băng cản lửa. Đề nghị đánh giá thêm việc thiết kế các đường băng cản lửa", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Ông cũng lưu ý tình trạng nhà cửa cơi nới, ngõ hẹp, các phương tiện khó tiếp cận được các vụ cháy. Vì vậy cần phải tính toán đến việc dùng trực thăng chữa cháy và có tầng cho cứu hỏa, để trực thăng đậu ở đó phun nước.

Dùng trực thăng cứu hỏa bằng hóa chất

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng nêu thực tế nhiều vụ cháy, thang chữa cháy không đủ lên cao hết các tầng của các toà nhà cao tầng. Vì vậy các nhà cao tầng phải có tầng chống cháy.

"Còn trực thăng không phải không có, nếu cần thì quân đội sẵn sàng huy động ngay. Quan trọng là dùng máy bay thì phải dùng hóa chất chứ dùng nước không dập được", ông nói.

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ

Phó Chủ tịch QH cho rằng, Bộ Xây dựng phải nghiên cứu trong quá tình xây dựng nhất định phải thiết kế tầng chống cháy. 

Phó Thủ tướng: Chưa thể dùng trực thăng chữa cháy rừng khi gió mạnh

Phó Thủ tướng: Chưa thể dùng trực thăng chữa cháy rừng khi gió mạnh

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chưa thể sử dụng trực thăng chữa cháy rừng trong điều kiện thời tiết gió phơn thổi mạnh như hiện nay.

Thu Hằng