Cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo ông Phạm Việt Công, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, đầu giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh là 8,22%, với 13.971 hộ nghèo (chiếm 3,13%) và 22.767 hộ cận nghèo (chiếm 5,09%). Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,51% (6.726 hộ) và ước đến cuối năm 2025 còn dưới 1%. Ngoài ra, đầu năm 2024, tỉnh còn 10.316 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,31%.

Năm nay, theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh, Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỉnh được bố trí hơn 93 tỷ đồng tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2024.

Tháp Mười là địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giúp người dân thoát nghèo đa chiều, tránh tái nghèo. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện dành trên 2,4 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước và nhân dân đối ứng) triển khai Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình GNBV tại các xã: Mỹ Đông, Láng Biển, Mỹ An, Hưng Thạnh với 42 hộ tham gia và được hỗ trợ vốn từ 20 triệu - 40 triệu đồng/hộ để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài ra, huyện còn thực hiện các tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 3) Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho 13 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khuyết tật tại các xã: Phú Điền, Hưng Thạnh, Mỹ Quý. Lớp đào tạo nghề tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, đã được tổ chức với hơn 25 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia.

W-Tây Ninh   Nguyễn Huế 7.jpg
Nguồn vốn từ các dự án, tiểu dự án giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có cơ hội đầu tư chăn nuôi.

Nguồn vốn từ các dự án, tiểu dự án giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có cơ hội đầu tư chăn nuôi ếch, nuôi lợn, bò, trồng mít, lúa... 

Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (41 tuổi, ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An) là một ví dụ. Vốn thuộc diện hộ cận nghèo, anh được xét hỗ trợ giúp vốn từ Dự án 2. Từ thông tin tìm hiểu, lắng nghe khó khăn và nguyện vọng của gia đình, nhận thấy anh Thắng chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên việc chăn nuôi ếch thịt kết hợp nuôi cá tra của gia đình chưa hiệu quả, địa phương hỗ trợ anh 30 triệu đồng. Anh còn được giới thiệu vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Có vốn, anh Thắng đầu tư nuôi ếch, cá tra thuận lợi hơn. Hiện tại, anh thu hoạch khoảng 10 tấn ếch và hơn 1 tấn cá tra mỗi năm, giúp gia đình có thêm thu nhập. Năm 2024, gia đình chính thức thoát cận nghèo.

Lãnh đạo UBND xã Mỹ An cho biết giai đoạn 2021 - 2025, ngoài anh Thắng, xã có thêm 15 hộ tham gia Dự án 2 Chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho người dân tham gia tập huấn kiến thức khoa học áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt để đạt hiệu quả hơn. Đến nay, có 14 hộ thoát nghèo, cận nghèo.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 122 mô hình, dự án giảm nghèo, đạt và vượt so với mục tiêu giai đoạn. Khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng nhiều ngành nghề phù hợp.

Tại TP.Hồng Ngự, ngoài việc hỗ trợ người dân về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các xã, phường và thành phố đã triển khai thực hiện 7 dự án, hỗ trợ cho 33 hộ tham gia dự án mô hình giảm nghèo, kinh phí trên 1,7 tỷ đồng, giúp người dân có được sinh kế phát triển gia đình, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. 

Qua khảo sát, các mô hình giảm nghèo theo nhiều hình thức khác nhau giúp hơn 1.300 lao động thuộc các gia đình tham gia dự án có việc làm ổn định; giúp trên 80% hộ tham gia thoát nghèo bền vững. Các mô hình không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho bà con nghèo khó mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức người dân, tự tin làm chủ cuộc đời.

Đơn cử, tại huyện Thanh Bình, gia đình ông Trần Văn Tẹo ở xã Bình Tấn đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo sau khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Gia đình ông Tẹo là hộ nghèo. Địa phương giới thiệu cho ông vay vốn 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm chuồng nuôi chồn giống và nuôi ốc bươu.

Vượt qua những bấp bênh, khó khăn ban đầu, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi, sinh kế của ông dần ổn định, phát triển. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận được hơn 15 triệu đồng.