-Việc nạo vét, khai thác tận thu khoáng sản trong lòng hồ đang trở thành tâm điểm dư luận khi có ý kiến, nó sẽ xâm hại tới danh thắng này.
Được hình thành từ những năm 70, hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) là một đại công trình thủy lợi cung cấp nước cho hơn 12.000 ha sản xuất nông nghiệp; Cấp nước cho tỉnh Bắc Giang và thành phố Thái Nguyên; nuôi trồng thủy sản; tận dụng nguồn năng lượng thủy điện…; là hồ điều hòa khí hậu, Khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, hồ Núi Cốc còn là một mỏ khoáng sản với trữ lượng cát hàng triệu khối, là “mỏ vàng” đối với nhiều người.
Cả xã thành… cát tặc
Với diện tích 25km2, hồ Núi Cốc bao bọc một vệt các xã Tân Thái, Vạn Thọ, Lục Ba, Bình Thuận, Phúc Xuân, Phúc Tân… Trước khi khai thác giá trị du lịch, người dân nơi đây đã biết khai thác nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ để mưu sinh.
Vẻ bình yên trên hồ Núi Cốc. |
Trước thời điểm năm 2010, lòng hồ Núi Cốc cũng là một đại công trường khai thác cát tặc, chủ yếu do người dân sở tại đứng lên mua tàu hút để khai thác cát trái phép.
Cao điểm, có những lúc có tới 200 tàu cát cùng khai thác, hơn 30 bến cát tự phát hoạt động suốt ngày đêm.
Những hoạt động trái phép ấy đã giúp nhiều người đổi đời, nhưng cũng phá tan cảnh quan du lịch, gây ô nhiễm môi trường, làm thay đổi dòng chảy, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của khu vực chân đập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường thủy...
Thời điểm đó, Thái Nguyên đã rất nỗ lực, tốn kém nhiều công sức và tiền của để dẹp tan vấn nạn cát tặc. Khoảng giữa năm 2010, hầu hết các hoạt động khai thác cát trái phép tự phát đã được dẹp bỏ. Vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của hồ Núi Cốc huyền thoại tưởng như được trở lại.
Công trường khai thác cát tận thu từ lòng hồ Núi Cốc đang được công ty Đại Việt tiến hành |
Ngay sau khi dẹp xong các hoạt động khai thác cát sỏi khu vực lòng hồ Núi Cốc, ngày 23/6/2010 UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số 1418/2010/QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc.
Quy hoạch Khu du lịch hồ Núi Cốc theo định hướng là khu du lịch trọng điểm quốc gia với tổng diện tích gần 19.000ha trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc TP Thái Nguyên, 2 huyện Đại Từ và Phổ Yên cũng đã được thông qua.
Theo bản quy hoạch quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vùng du lịch hồ Núi Cốc được chia thành 5 khu chức năng: Du lịch, thể thao, thương mại dịch vụ tổng hợp; khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái; trung tâm hành chính mới; khu đô thị và dịch vụ du lịch; khu lâm viên - rừng phòng hộ. Cơ sở hạ tầng sẽ được quy hoạch theo hướng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo tính phát triển lâu dài, ổn định, gắn với các yếu tố thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng.
Một kỳ vọng thành lập thêm một đơn vị hành chính mới: Thị xã Hồ Núi Cốc cũng được Thái Nguyên lập đề án và đệ trình trung ương.
Hàng loạt dự án đã được phê duyệt đầu tư, biến hồ Núi Cốc không còn là “huyền thoại” mà thực sự thức giấc, để mang lại giá trị kinh tế, đổi thay đời sống người dân.
Ngay sau khi công bố quy hoạch, đã có một số dự án vào đầu tư làm thay đổi phần nào diện mạo khu du lịch này như: Dự án khu nghỉ dưỡng lão và du lịch sinh thái tại xã Phúc Xuân của công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Đông Á; Trung tâm nghỉ dưỡng quốc tế của công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công tại khu vực đập phụ số 3, xã Phúc Xuân (TP Thái Nguyên) và đầu tư nâng cấp hạ tầng của công ty cổ phần Khách sạn Du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc…
Thế nhưng, “Dự án nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm” được giao cho một DN tư nhân dưới Thủ đô khiến dư luận đặt câu hỏi: Thay vì cát tặc, việc khai thác nguồn khoáng sản trữ lượng lớn trong lòng hồ đang được tiến hành công khai, dưới danh nghĩa nạo vét, cải tạo, khơi thông lòng hồ?
Mất nguồn thu 900 tỷ đồng “tận thu” khoáng sản?
Theo đánh giá, mỏ cát sỏi bồi lắng dưới lòng hồ Núi Cốc qua hàng chục năm có trữ lượng lên tới hàng chục triệu m3. Nếu khai thác tốt, tỉnh Thái Nguyên có thể thu ngân sách hàng trăm tỉ đồng.
Chất lượng cát trong lòng hồ Núi Cốc được đánh giá rất cao |
Đơn vị thực hiện là công ty cổ phần Đầu tư BĐS và Khoáng sản Đại Việt (thành lập năm 2010, trụ sở đăng kí tại Hà Nội).
Mục đích dự án do UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra để giao mỏ cát cho công ty Đại Việt là để đơn vị này thực hiện việc “nạo vét lòng hồ Núi Cốc” nhằm khơi thông luồng lạch, tăng dung tích trữ nước của hồ chứa phục vụ sản xuất và du lịch.
Kinh phí để thực hiện nạo vét lòng hồ có thể lên tới hơn 100 tỉ đồng - số tiền ngân sách tỉnh không kham nổi. Phương án xã hội hóa đã được đưa ra: Doanh nghiệp bỏ vốn nạo vét, được “tận thu khoáng sản” bán lấy tiền bù đắp vào chi phí.
Theo hồ sơ pháp lý dự án, tổng kinh phí dự án là hơn 100 tỷ đồng, thời hạn triển khai 15 năm, trong đó, khối lượng khoáng sản “tận thu” ước tính trên 11 triệu m3, bao gồm các loại khoáng sản: cát, sỏi, cuội sỏi to…, trong đó cát có trữ lượng và giá trị kinh tế rất lớn.
Với trữ lượng trên, tổng giá trị cát sỏi tận thu mang giá trị khoảng 900 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện dự án tính toán sẽ nộp ngân sách cho Thái Nguyên gần 19 tỷ đồng thời mang lại lợn nhuận cho chủ đầu tư gần 35 tỷ đồng trong thời gian 15 năm.
Kiên Trung