Theo báo cáo mới nhất từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), trong tháng 1/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 15.787 xe, giảm 52% so vớI tháng 12/2019 và giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê từ VAMA cũng cho thấy lượng xe du lịch tiêu thụ tháng vừa qua đạt 12.807 xe (giảm 48% so với tháng trước); 2.757xe thương mại (giảm 65%) và 223 xe chuyên dụng (giảm 41%).
Tiêu thụ xe cả nhập khẩu và lắp ráp cũng đi xuống. Cụ thể sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 9.599 xe, giảm 51% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.188 xe, giảm 54%.
Trong khi đó, số liệu bán hàng riêng của TC Motor cho biết hãng xe này bán được 5.944 xe trong tháng 1/2020, giảm 12,67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên bảng số liệu từng hãng xe do VAMA cung cấp, so với cùng kỳ năm ngoái hầu hết các thương hiệu xe đều tăng trưởng âm. Mức giảm đều rất cao, trung bình trên dưới 50%. Sụt giảm nhiều nhất là VEAM (chủ yếu sản xuất xe thương mại) lên tới 93%, Suzuki và Isuzu cũng có mức giảm gần 80%. Ngay cả hai hãng xe có sức tăng trưởng mạnh nhất là Mitsubishi và Honda cũng giảm tiêu thụ xe lớn. Honda tháng 1/2020 chỉ bán được 1.916 xe, giảm 36%; Mitsubishi bán được 1.670 xe, giảm 57%.
Theo quy luật thị trường ô tô, tháng cuối cùng của năm Âm lịch thường khá sôi động với tình trạng người tiêu dùng dễ dàng bỏ tiền mua xe mà ít đắn đo. Bằng bảng số liệu dưới đây so sánh trong 3 năm trở lại đây (nguồn VAMA) có thể thấy rõ.
Bảng số liệu từ VAMA so sánh tháng 1 của các năm gần đây |
Vậy nguyên nhân gì khiến thị trường ô tô sụt giảm mạnh đến vậy trong bối cảnh năm 2019 vừa qua Việt Nam lập kỷ lục vượt mức 400 ngàn xe?
Chia sẻ với Xe VietnamNet, anh Trần Cảnh, trưởng phòng bán hàng của Hyundai Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho biết, mùa bán hàng trước Tết Canh Tý vừa qua lần đầu tiên lượng khách hàng sụt giảm thê thảm đến vậy. “Lượng xe tiêu thụ tháng 1 của chúng tôi giảm một nửa so với tháng 12 trước đó. Nhìn lại năm 2019 thấy khác hẳn. Năm ngoái đến 28, 29 Âm lịch vẫn còn bàn giao xe mới nhưng năm nay thì vắng hẳn,” anh Cảnh than thở.
Sau Tết tình hình hiện vẫn chưa khá hơn, đại lý của anh Cảnh hiện đang áp dụng giảm giá xe cao, lên tới 70 triệu đồng với mẫu Hyundai Santa Fe nhưng sức tiêu thụ chưa cải thiện, chỉ những dòng xe nhỏ như i10 hay Accent chạy dịch vụ là vẫn có khách.
Cùng tình cảnh chung, anh Đinh Văn Tiến, một sale của đại lý Toyota khu vực trung tâm thành phố Hà Nội cho rằng chưa bao giờ bán hàng trước Tết lại khó như năm vừa qua. “Khách hàng đến xem xe cũng giảm chứ chưa nói đến mua,” anh Tiến nói.
Nhiều hãng xe tăng số lượng hàng, thị trường bất động sản đi xuống là nguyên nhân giảm tiêu thụ ô tô trước Tết? |
Giới kinh doanh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sức tiêu thụ chậm phần nào ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và vàng. Anh Nguyễn Xuân Đạt, người có kinh nghiệm lâu năm buôn bán xe, hiện đang kinh doanh tại Auto 668 Lạc Long Quân nhận xét: “Bất động sản cuối năm vừa qua chậm, giá vàng lại lên cao khiến nhiều khách hàng giảm hẳn nhu cầu mua xe.” Ngoài ra anh Đạt cũng cho rằng thị phần các hãng xe doanh số lớn đang dần phân bổ lại cho các hãng xe mới nổi lên như Mitsubishi, Honda, cũng ảnh hưởng đến số liệu tiêu thụ.
Dự báo thị trường ô tô tháng 2/2020 cũng sẽ không hề tốt đẹp hơn tháng 1/2020 bởi đây là tháng đầu tiên sau Tết, nhu cầu mua xe gần như thấp nhất trong năm theo chu kỳ các năm gần đây.
Đình Quý
Thị trường ô tô tăng tốc, nhiều hãng xe đạt doanh số không tưởng
Mitsubishi, Suzuki hay Ford là những thương hiệu ô tô tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Việt Nam trong năm 2019 vừa qua.