Tại buổi làm việc về xây dựng sân bay Điện Biên với Bộ GTVT chiều qua, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, hiện ACV đã cân đối đủ vốn để đầu tư đồng bộ Cảng hàng không Điện Biên, gồm cả khu bay và khu hàng không dân dụng, sẵn sàng đầu tư theo quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sân bay Điện Biên là cầu nối quan trọng kết nối Điện Biên với thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và quốc tế.

Sân bay này cũng giữ vị trí xung yếu trong đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng, đặc biệt quan trọng trong việc triển khai xử lý các tình huống khẩn cấp phục vụ an ninh quốc phòng quốc gia.

Do vậy, ông Thể chỉ đạo ACV cần xây dựng ngay kế hoạch tổng thể để cuối 2020 có thể khởi công xây dựng mở rộng sân bay này.

{keywords}
Sân bay Điện Biên sẽ được khởi công, nâng cấp để có thể phục vụ các tàu bay A320, A321

Ông Thể cũng yêu cầu ACV phối hợp với các cơ quan liên quan, có văn bản báo cáo Bộ về phương án triển khai. Bộ sẽ thống nhất với UBND tỉnh Điện Biên, UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng giao ACV đầu tư.

Sân bay Điện Biên (hay còn gọi là sân bay Mường Thanh) được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Năm 1984 đường bay Hà Nội - Điện Biên chính thức được khai thác, các hạng mục công trình sân bay được khôi phục cơ bản cho phép tiếp nhận an toàn các loại máy bay AN24, AK40.  

Sau gần 1 năm khai thác do điều kiện kỹ thuật vẫn chưa đảm bảo nên sân bay lại ngừng hoạt động.

Năm 2004, sân bay Điện Biên được cấp thêm kinh phí để tu bổ và sửa chữa lại. Đến nay, sân bay chỉ khai thác được dòng máy bay ATR72 mỗi tuần 2 chuyến Điện Biên - Hà Nội và Hà Nội - Điện Biên.

Thời tiết xấu, không thể hoàn thành kế hoạch bay 2 chuyến/ tuần.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, Cảng hàng không Điện Biên là cảng hàng không có hoạt động bay quốc tế. Sân bay này cũng sẽ được dùng chung cho cả hoạt động bay dân dụng và quân sự.

Giai đoạn đến năm 2020, cảng có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm với 3 vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương đương (dòng máy bay thân rộng có thể chở được khối lượng hành khách và hàng hoá lớn hơn máy bay ATR72).

Định hướng đến năm 2030, cảng có công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm với 6 vị trí đỗ tàu bay gồm 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320.

Về khu bay, giai đoạn năm 2020, quy hoạch và nghiên cứu xây dựng mới đường cất, hạ cánh dài 2.400m, một đường lăn đồng bộ với đường cất hạ cánh nối vào sân đỗ tàu bay dân dụng.

Giai đoạn năm 2030, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống đường lăn nối vào sân đỗ tàu bay và một phần đường lăn song song từ đường lăn nối đường cất, hạ cánh đến sân đỗ tàu bay.

Huy động 4,7 tỷ USD làm sân bay Long Thành

Huy động 4,7 tỷ USD làm sân bay Long Thành

Để huy động vốn làm sân bay quốc tế Long Thành, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án: Vay vốn ODA, giao ACV đầu tư và hợp đồng BOT. 

Vũ Điệp