– Trong cuộc bàn tròn trực tuyến với VietNamNet, GS Chu Hảo, nhà giáo Phạm Toàn và TS Giáp Văn Dương chia sẻ giấc mơ về một nhà trường “không bắt nạt trẻ con”, không gây áp lực lên việc học. Nhưng muốn như vậy, trước hết người giáo viên phải không bị bắt nạt bởi cơ chế giáo dục hiện nay.

VietNamNet trân trọng giới thiệu nội dung của cuộc bàn tròn hôm 29/7.

Nhà báo Việt Lâm: Xin chào quý độc giả VietnamNet. Hôm nay VietNamNet mở bàn tròn trực tuyến về đổi mới giáo dục. Chúng tôi không có tham vọng bàn sâu về một chủ đề rất rộng như thế này. Chúng tôi chỉ hi vọng qua bàn tròn này có thể giải đáp được hai vấn đề: Đổi mới nên bắt đầu từ đâu? Chọn khâu nào là trọng yếu và trong khi chờ đợi một cuộc cải cách giáo dục căn bản và toàn diện thì liệu có cách nào để các bậc phụ huynh có thể tham gia định hướng, chuẩn bị cho con em mình một hướng đi tốt nhất trong hoàn cảnh cho phép. Vì thế, cuộc bàn tròn hôm nay đã mời tới ba vị khách là những người đang tiên phong trong các nỗ lực đổi mới giáo dục theo cách riêng của mình.

-    GSTS Chu Hảo, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nổi tiếng với giải thưởng Phan Châu Trinh tôn vinh các sang kiến, cống hiến của các cá nhân vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục. Nhà Xuất bản Tri thức cũng là nơi đỡ đầu cho nhiều sang kiến về giáo dục.

-    Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập nhóm Cánh Buồm. Nhóm Cánh Buồm đã và đang biên soạn lại bộ sách giáo khoa tiểu học với mục tiêu tổ chức cho trẻ em biết tự học.

- TS Giáp Văn Dương, người đã từ bỏ những cơ hội làm việc hấp dẫn ở nước ngoài để trở về Việt Nam. Anh là người sáng lập Giapschool, dự án giáo dục trực tuyến mở tiên phong ở Việt Nam, với mục đích đưa tri thức hiện đại của thế giới về Việt Nam nhanh nhất, rẻ nhất và thuận lợi nhất thong qua việc sử dụng công nghệ Internet và điện toán hiện đại.

Nhà trường “ba không” trong mơ

Nhà báo Việt Lâm: Trước hết xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia bàn tròn hôm nay. Tôi muốn bắt đầu bằng nhận xét của một anh bạn người nước ngoài, cụ thể là một anh bạn người Mỹ. Khi nói chuyện về giáo dục Việt Nam, anh tỏ ra ngạc nhiên trước hình ảnh các ông bố bà mẹ Việt Nam phải xếp hàng từ nửa đêm để chờ đợi xin học mầm non cho con hay chuyện phụ huynh chen lấn xô đẩy đến nỗi xô đổ cả cổng trường để có được tờ đơn cho con vào học. Nếu giải thích với họ về hiện tượng này, các vị khách mời sẽ nói như thế nào? Xin mời giáo sư Chu Hảo.

Giáo sư Chu Hảo: Một mặt, hiện tượng đó phản ánh nguyện vọng tha thiết của các bậc phụ huynh là muốn cho con mình có nơi học tập tốt nhất có thể được trong hoàn cảnh Việt Nam. Những nơi như vậy cũng không nhiều. Chỉ có một vài trường mà phụ huynh xếp hàng từ rất sớm mà thôi.

{keywords}
GS Chu Hảo (phải)

Phụ huynh lúc nào cũng muốn cho con mình học ở những nơi tốt nhất nhưng chỉ những phụ huynh có điều kiện thôi mới lo được cho con. Bởi vì ở những chỗ đó thứ nhất là nhiều khi yêu cầu đóng góp kinh phí cao hơn chỗ khác. Thứ hai là điều kiện cho con mình theo học ở đó cũng phải tốn kém hơn một chút.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là người ta hy vọng được học ở những nơi đó, con mình sẽ tốt. Nếu ở đấy mà không đạt được nữa thì chắc chỉ cho con đi ra nước ngoài tị nạn giáo dục thôi. Đấy là một biểu hiện đáng mừng về xu thế luôn luôn có trong xã hội là các bậc phụ huynh chăm lo đến các con, thứ hai là các bậc phụ huynh luôn có trách nhiệm tìm cho con cái mình nơi học tập tốt nhất có thể được.

Nhưng hiện tượng đó buồn ở chỗ có một sự ngộ nhận rằng hình như chỉ một vài nơi có được điều kiện mà nếu như không vào được đó thì con mình chắc là rơi rụng hỏng hết cả. ấy cũng là một tâm lý khá phổ biến, tuy nhiên nó không phản ánh hết thực trạng của xã hội. Đành rằng trong nền giáo dục của mình có nhiều vấn nạn, tuy nhiên ở từng trường, rồi thì từng nơi, cũng có những chỗ mình có thể gửi gắm con mình vào đấy, không đến nỗi phải gây ra tình trạng không đẹp mắt như vậy, nó phản giáo dục.

Nhà báo Việt Lâm: Là một nhà giáo đã từng giảng dạy ở trường Thực Nghiệm, một ngôi trường năm nào cũng diễn ra hiện tượng như thế, ông Phạm Toàn sẽ nói gì?

Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi nghĩ hiện tượng này phải nhìn từ hai phía. Từ phía phụ huynh thì người ta cố đi tìm chỗ mà người ta cho rằng đấy là nơi học tốt nhất cho con em người ta. Nhưng về phía của những nhà giáo dục thì phải khác.

Tôi đang nghĩ đến một nhà trường mà tôi gọi là nhà trường 3 không cho Việt Nam, tức là không hộ khẩu, không học phí, và cái thứ ba cực kỳ quan trọng là không bắt nạt, không áp lực lên trẻ con. Bắt nạt ở đây tôi hiểu theo cái nghĩa là dọa bằng điểm số, dọa bằng xếp hạng, dọa bằng sổ liên lạc, dọa bằng gọi phụ huynh đến để đe nẹt, dọa bằng bài tập, dọa bằng không được lên lớp. Thì những áp lực lên trẻ con làm nó thấy cái sự học đau khổ quá. Tôi xin nói rằng, ngay những trường tốt nhất bây giờ cũng vẫn là những nhà trường còn bắt nạt trẻ con. Thế cho nên tức góc độ các nhà giáo dục phải tìm cách xử lý ba điều đó.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Tôi thì cho rằng hiện tượng này cũng có mặt tích cực. Trường Thực Nghiệm đã khẳng định được uy tín của mình cho nên phụ huynh mới tìm đến đông như vậy, nhưng về đại thể nhìn hiện tượng đó tôi thấy buồn hơn là vui, bởi vì chưa ở nước nào tôi chứng kiến những sự kiện hay những hiện tượng như thế do chất lượng giáo dục của các trường đó rất đồng đều...

Ở Việt Nam bây giờ chỉ nổi lên một hai trường được cho là chất lượng cao nên người ta mới đổ dồn hết vào như vậy. Thế còn những nơi khác thì sao, hoặc các tỉnh khác thì sao? Không có những trường đó thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ngay cả ở Hà Nội, khi phụ huynh tìm mọi cách để vào được những trường tốt cũng cho thấy họ quá thất vọng với hệ thống giáo dục ở bên ngoài. Cho nên khi họ tìm thấy một cái gì đó như một cái phao thì họ tìm mọi cách họ đến. Bởi vậy, nên coi hiện tượng này là câu chuyện buồn của ngành giáo dục nói chung.

Tôi xin nói thêm một chút: Hiện nay chúng ta đang thiếu chuẩn để cho người dân chọn. Bởi vậy họ chỉ biết chọn theo thói quen, chọn theo tin đồn, và lắm lúc là chọn theo nguyện vọng cá nhân và bây giờ là chọn theo quảng cáo. Theo tôi điều đó cực kỳ nguy hiểm nếu mình nhìn cả một nền giáo dục. Phải có nỗ lực chung để công cuộc cải cách đi theo một định hướng càng ngày càng đúng. Tôi xin nói lại, nó không đúng ngay trong một lúc mà đi theo định hướng càng ngày càng đúng. Vấn đề ở chỗ là phải tìm ra cách làm.

{keywords}
Nhà giáo Phạm Toàn

Giáo sư Chu Hảo: Tôi xin hỏi nhà giáo Phạm Toàn một chút là ba không của nhà giáo; không bắt nạt là tương đối rõ. Thế còn không hộ khẩu và không học phí; cái không học phí đấy đối với hệ thống công lập chắc chắn là có thể thực hiện được theo luật. Đáng nhẽ làm theo đúng luật là hết tiểu học hoặc trung học cơ sở thì được miễn học phí. Tuy nhiên, quy định này đã không được thực hiện đúng mà được ngụy trang bằng các khoản tự nguyện đóng góp.v.v.. Nhưng các trường tư người ta có quyền thu học phí. Thế thì nếu Nếu bảo các trường tư miễn học phí thì họ sẽ tồn tại bằng cách nào?

Nhà giáo Phạm Toàn: Không, tôi không can thiệp vào hai phương diện trên. Tôi nghĩ là không hộ khẩu sẽ là lộ trình của nhà nước; còn không học phí cũng phải là lộ trình, lộ trình chắc chắn của nhà nước và bắt buộc.

Còn thì, có thể có một số trường tư, người ta chọn lựa khác với trường công, thì cái đó là trăm hoa đua nở và ta không nên can thiệp. Với tư cách là nhà sư phạm thì chúng ta chỉ quan tâm đến khía cạnh thứ ba là: một nhà trường, ở đó trẻ con không bị áp lực, ở đó trẻ con là học, là mình phải tìm được cách cho nó học, mà cách đó diễn ra một cách hữu cơ trong cái cuộc học đó, chứ không phải những lời khuyên.

Giáo viên phải không bị bắt nạt bởi cơ chế

Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Tôi có bổ sung thế này. Để có được cái trường học học sinh không bị bắt nạt, học sinh không bị bắt nạt bởi bạn bè, bởi giáo viên thì bản thân giáo viên ở trong đó cũng không bị bắt nạt trước đã. Nhưng mà bây giờ chính xác, quan trọng là giáo viên đang bị bắt nạt bởi người quản lý gần nhất là hiệu trưởng, cao hơn là các sở, phòng, ban và đặc biệt là áp lực về thành tích. Cơ chế giáo dục bắt nạt người giáo viên ghê gớm. Người giáo viên bây giờ không phải là người chủ động dạy, hay là tự do giảng dạy trong lớp học của mình. Thực chất họ chỉ như một cái bánh răng trong một guồng máy vận hành từ trên xuống dưới. Đây là sự bắt nạt tối đa mà tôi cho rằng phải loại bỏ cái đó đầu tiên thì mới có được trường học không bắt nạt như nhà giáo Phạm Toàn nói.

Nhà báo Việt Lâm:  Với tư cách một người mẹ có con sắp vào lớp 1, tôi rất tâm đắc với ý tưởng một nhà trường không bắt nạt như các ông vừa đề cập. Đó có lẽ cũng là mơ ước của bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Thật sự khi nhìn vào chương trình tiểu học hiện nay, tôi thấy rất hoang . Chúng quá nặng nề so với chương trình học của chúng tôi ngày xưa. Vấn đề  cha mẹ nào cũng khát khao cho con mình có được một tuổi thơ thật sự, có thời gian để khám phá và không bị đè nén dưới những áp lực về học hành, thi cử nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải chạy theo số đông, phải cho con luyện chữ, tập đếm số trước khi vào lớp 1. Vì sợ vào lớp 1, tất cả các bạn xung quanh đều như thế thì con mình bị bắt nạt. Tôi muốn đặt ra câu hỏi, lộ trình để đi đến nhà trường không bắt nạt bắt đầu từ đâu khi mà anh Giáp Văn Dương nói câu chuyện bản thân giáo viên bị cả một hệ thống quản lý bắt nạt như thế?

Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi xin phát biểu quan điểm riêng của tôi là tôi không can thiệp vào việc của nhà quản lý. Tôi cũng không can thiệp vào việc của những người tổ chức xã hội nói chung.Tôi chỉ quan tâm đến sự can thiệp của nhà giáo mà nhà giáo ở đây là nhà giáo ở tầm tổ chức. Tầm tổ chức này thì tôi xin phép cãi lại chị Việt Lâm là hiện nay, chương trình học không phải là nặng mà ngược lại là thấp.

Lên lớp 5 rồi mà vẫn học viết chính tả tức là thấp. Ngày xưa thời Pháp thuộc học lớp Nhất là học đến năm thứ 5, thứ 6. Năm thứ 5 là chúng tôi viết được bài luận bằng tiếng Pháp, bây giờ tại sao trẻ lớp 3 không viết được bài luận bằng tiếng Việt. Cách dạy không dẫn đến trẻ con giỏi, và người giáo viên không biết bơi như thế nào cả. Học bây giờ là hôm trước học, hôm sau lại lặp lại. Học lặp lại lặp lại, không có tiến độ, không có mục tiêu cho trẻ phấn đấu, không có mục tiêu cho thầy giáo bám vào.

Tôi xin nói cải cách của nhóm Cánh buồm nhằm vào chỗ đó. Để người ta thấy việc người ta phải làm mà việc làm cao chứ không phải việc làm thấp. Tôi xin nhấn mạnh lại chương trình học thấp lè tè nhưng lại nặng, thấp lại khó thực hiện, thấp mà dễ thực hiện thì người ta chơi.

{keywords}

Nhà báo Việt Lâm: Ông có thể giải thích kỹ hơn về nghịch lý đó, thấp nhưng lại khó thực hiện, thấp nhưng lại nặng nề?

Nhà giáo Phạm Toàn: Là bởi vì nó nhàm chán. Giáo viên bắt buộc phải nghĩ ra mẹo này mẹo kia; thậm chí đang tiết học lại cho các em giải lao để ra múa. Thế thì không phải. Đặc tính của trẻ con là khi nó tập trung vào việc mà nó thích, nó muốn tìm tòi thì nó không thấy mệt. Ví dụ trẻ con chỉ có việc cưỡi que làm ngựa mà có thể nhong nhong suốt ngày không biết mệt. Trẻ con làm việc không bao giờ mệt cả. Thế nên nếu biết tổ chức cho trẻ làm đầy đủ hứng thú, trẻ sở hữu kiến thức mà nó có trong đúng tiết học, buổi học, ngày đi học ấy, trẻ em không bao giờ mệt, và giáo viên thực hiện dễ dàng.

Nhà báo Việt Lâm: Từ góc nhìn của anh Giáp Văn Dương, anh có con nhỏ và các con anh đã được hưởng thụ nền giáo dục nước ngoài và bây giờ trở về nước, anh nhìn thấy sự khác biệt ấy nó là như thế nào?

Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Con tôi khi đi học ở đây thì nói trong sự đau khổ là con không muốn đi học ở đây vì càng đi học con càng thấy mình dốt đi. Đây là nhận xét của cháu lúc cháu không muốn đi học. Cháu học lớp 7. Tôi phải dạy cháu học, vì cháu mới trở về. Khi tôi mở sách ra, ví dụ sách ngữ văn thì bản thân tôi cũng choáng váng. Những vấn đề cháu học trải rộng quá nhiều thứ, và đặc biệt những vấn đề rất nặng về chính trị và rất gây tranh cãi.

Đến bây giờ một vấn đề chính trị có thể rất nhiều góc diễn giải khác nhau nhưng các cháu phải học một cách diễn giải duy nhất và văn bản cực kỳ khó. Tôi choáng váng vì không biết cách diễn giải thế nào cho con hiểu. Đấy là những vấn đề các cháu không tiếp thu được. Chẳng còn cách nào khác là các cháu phải học thuộc, phải học chống đối. Chính điều đó làm cho các cháu nhàm chán. Càng học càng thấy mình dốt đi vì không tiếp thu được, không diễn giải được. Một cháu bé 13 tuổi không thể diễn giải những vấn đề chính trị cao siêu; về chủ nghĩa, đấu tranh; thuộc địa,... Chuyện đó xuất hiện trong môn ngữ văn lớp 7, ví dụ như vậy.

(còn nữa)

Phần 2: Học để làm gì? Đi tìm triết lý giáo dục của Việt Nam

  • VietNamNet - Ảnh: Lê Anh Dũng