Ngày 8-9/6/2020, Đảng bộ Cơ quan Ban Nội chính Trung ương tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu tại Đại hội. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương,
Kính thưa đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương,
Thưa các đồng chí đại biểu và tất cả các đồng chí!
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, tôi xin gửi đến các đồng chí đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí!
Nhìn lại nhiệm kỳ qua và từ khi tái lập Ban Nội chính Trung ương đến nay, với sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, đảng viên; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, chúng ta đã hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Ban, khái quát trên 05 kết quả chủ yếu sau đây:
(1) Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết, chủ động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đồng thời duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong điều kiện có sự biến động lớn về nhân sự. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đến nay, chúng ta đã tham mưu, chỉ đạo xử lý 120 vụ án, 95 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhiều vụ án lớn đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai ”, tạo bước tiến mạnh, đột phá trong công tác PCTN, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
(2) Đã sơ kết, tổng kết, nghiên cứu, tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
(3) Kịp thời nắm bắt và tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc về an ninh trật tự.
(4) Tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; vị thế, vai trò, uy tín của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Nội chính Trung ương và hầu hết các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy được khẳng định và nâng cao.
(5) Đảng ủy và Ban Thường vụ đã phát huy vai trò là hạt nhân chính trị của Đảng bộ, luôn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ban để tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan; tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, gắn với “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Thay mặt lãnh đạo Ban, tôi xin cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của tất cả cán bộ, đảng viên và chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan Trung ương đối với Đảng bộ trong thời gian qua. Mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, phối hợp nhiều hơn trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí!
Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn ra gay gắt. Cuộc cách mạng công nhiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 làm cho thế giới có nhiều thay đổi lớn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt. Âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng thâm độc, nguy hiểm; tham nhũng vẫn đang là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, công tác PCTN còn nhiều khó khăn, phức tạp; cải cách tư pháp đang đặt ra những yêu cầu cao hơn, triệt để hơn. Tất cả những vấn đề đó sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải xử lý có hiệu quả, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo lợi ích quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; trước yêu cầu của Đảng, mong muốn và kỳ vọng của nhân dân, nhiệm vụ của chúng ta trong nhiệm kỳ tới là rất nặng nề.
Vì vậy, tôi đề nghị Đại hội dành thời gian thảo luận, phân tích kỹ những kết quả, hạn chế trong nhiệm kỳ qua làm rõ nguyên nhân và giải pháp để khắc phục; xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ tới, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ban. Báo cáo Chính trị đã nêu đầy đủ, tôi xin nhấn mạnh hai vấn đề lớn sau đây để chúng ta thảo luận:
Thứ nhất, mục tiêu cao nhất, xuyên suốt, bao trùm của Đảng bộ chúng ta là gì? Phải chăng lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của Ban, xây dựng cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể vững mạnh. Mọi hoạt động của Đảng bộ phải thực hiện cho được mục tiêu này. Vì vậy phải thiết kế phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, chương trình hành động thật sát, hợp cho cả nhiệm kỳ để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu này.
Thứ hai, để thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng trên đây, phải làm gì và làm như thế nào? Có nhiều nhiệm vụ và cách làm như trong báo cáo chính trị đã xác định, tôi xin nêu 3 nội dung cốt lõi:
Một là, mỗi đảng viên trước hết phải là mỗi công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn công tác lãnh đạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vướng mắc, động viên cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm, thường xuyên nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng, cải tiến mạnh mẽ lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức Ban Nội chính Trung ương phải thực sự gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, lề lối công tác; phải có bản lĩnh vững vàng, ý thức chính trị cao, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao; phải thực sự “Trung thành - Liêm chính - Bản lĩnh - Sáng tạo”, nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cấp ủy viên phải gương mẫu hơn đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Muốn vậy, phải nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện sáng tạo và thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm trước của cán bộ, đảng viên. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, xử lý từ xa những tư tưởng lệch lạc, những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm. Khẩn trương xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện thật tốt Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương, kiên quyết không để cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về nêu gương, quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và các hành vi vi phạm khác.
Ba là, tham gia nhiều hơn với lãnh đạo Ban về công tác cán bộ, nhất là phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm những cán bộ có năng lực, tâm huyết. Tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trước hết phải từ trách nhiệm, năng lực, hiệu quả công việc chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cán bộ. Không có năng lực chuyên môn và tâm huyết với công việc thì làm việc gì cũng khó, chứ chưa nói đến làm lãnh đạo. Cán bộ lãnh phải sâu sắc nhất một lĩnh vực mình phụ trách và am hiểu rộng nhiều lĩnh vực khác. Cán bộ lãnh đạo mà không sâu về chuyên môn thì “việc gì cũng biết, nhưng không biết cụ thể việc gì”, “viết thế nào đọc thế ấy, trình thế nào ký thế ấy”. Tránh tình trạng chỉ thấy cái bề ngoài vui vẻ, xởi lởi, quan hệ tốt mà không quan tâm đúng mức cái bản chất, năng lực, tâm huyết của cán bộ; những người suốt ngày chăm lo làm việc thì ít có thời gian quan hệ, xởi lởi với xung quanh; do đó: “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ mà tưởng là chín”, đừng thấy vẻ bề ngoài mà che đậy cái sơ sài bên trong” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở.
Với tinh thần đó, Tôi đề nghị các đồng chí Đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm, giới thiệu, lựa chọn những đồng chí đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Ban Nội chính Trung ương khóa II, đảm bảo lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.
Chúc quý vị đại biểu và các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.