Nhóm máu được xác định bởi sự hiện diện hay vắng mặt của một số chất nhất định, được gọi là kháng nguyên, có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch. Theo đó, có bốn nhóm máu chính: A, B, O và AB.

Ngoài các kháng nguyên còn có một loại protein là yếu tố Rh. Nếu máu của bạn có protein này gọi là Rh+, nếu không có sẽ là Rh-. Khi đó sẽ có 8 nhóm máu: A+, A-, B+, B-, O+, O-, AB+, AB-.

Đa số mọi người đều mang nhóm Rh+, chỉ có khoảng 0,04-0,07% dân số có nhóm Rh- và đây được coi là nhóm máu hiếm. Một người có nhóm Rh- chỉ có thể nhận máu từ người Rh-. Người mang nhóm Rh+ có thể nhận từ mọi nguồn. 

Các thành phần trong máu tác động tới nguy cơ mắc một số bệnh. Ảnh minh họa: Newington

Máu nhóm A, B và cục máu đông

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những người có nhóm máu A và B có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn so với nhóm O. Nghiên cứu xem xét hơn 400.000 người, phát hiện nhóm máu A và B có nguy cơ phát triển cục máu đông ở chân cao hơn 50% (gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu) và nguy cơ bị tắc mạch phổi cao hơn 47%. Họ có nguy cơ bị đau tim cao hơn 8% và suy tim cao hơn 10% so với nhóm O.

Tại sao nhóm máu ảnh hưởng đến nguy cơ đông máu? 

Mary Cushman, nhà huyết học tại Trung tâm Y tế Đại học Vermont (Mỹ), giải thích: “Enzyme kiểm soát nhóm máu còn có những chức năng khác bao gồm sửa đổi loại protein gọi là yếu tố von Willebrand, có vai trò trong việc hình thành cục máu đông. Sự biến đổi của protein khác nhau giữa các nhóm máu”. 

Theo Aarp, những người có nhóm máu O có yếu tố von Willebrand thấp nhất và nguy cơ hình thành cục máu đông bất thường thấp nhất. Nhóm AB có mức độ cao nhất, trong một số nghiên cứu, có nguy cơ đông máu cao nhất.

Joshua Beckman, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế UT Southwestern (Mỹ), cho biết cũng có thể một số khác biệt về tiểu cầu trong máu tác động tới hình thành cục máu đông. 

Nhóm A, AB và chỉ số cholesterol, đột quỵ

Có bằng chứng cho thấy nhóm máu A liên quan đến mức cholesterol xấu cao hơn, đây là yếu tố dễ làm tắc nghẽn động mạch. Nhóm máu AB liên quan đến tình trạng viêm, ảnh hưởng xấu đến mạch máu. Dù vậy, bác sĩ Beckman cho biết cần phải thực hiện các nghiên cứu lớn hơn trước khi đưa ra kết luận chắc chắn. 

Nhóm máu cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Thần kinh học đã xem xét 48 nghiên cứu trên 17.000 bệnh nhân đột quỵ. Theo đó, những người có nhóm máu A có nguy cơ bị đột quỵ sớm cao hơn 16% so với các nhóm máu khác. Nhóm máu O có nguy cơ bị đột quỵ sớm thấp hơn 12%. Phân tích của nhà huyết học Cushman ghi nhận, nhóm máu AB có nguy cơ đột quỵ cao hơn 1,8 lần so với nhóm O.