Sáng nay (13/6), tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tới dự có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai, Trưởng Ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban bộ ngành TƯ...
Các đại biểu dự hội nghị |
Điểm lại những dấu ấn đậm nét của chặng đường báo chí cách mạng Việt Nam, Phó Ban Tuyên giáo TƯ Lê Mạnh Hùng cho hay, trải qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước, báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Nhà báo là các chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Theo ông Hùng, đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo… đã đạt được những bước tiến lớn.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị |
Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật, nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.
Bị đe dọa nhưng không lùi bước
Tại cuộc giao lưu, nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản bày tỏ sự tự hào về nền báo chí cách mạng Việt Nam và tin tưởng ở tương lai báo chí nước ta.
Thời gian làm báo, ông nhớ lời dạy của Bác Hồ rằng “Báo chí là một mặt trận. Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ, bài báo là tờ lịch cách mạng...”.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dự hội nghị |
Ông cho hay, nếu ta đang chủ trương chống lại những hành vi tiêu cực trong xã hội thì trước tiên chính mình phải chống tiêu cực trong bản thân.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập báo QĐND nhắc lại kỷ niệm lần đi tác nghiệp về lũ lụt tại Nghệ An năm 2007 với nhiều nguy hiểm. Ông cũng chia sẻ trong quá trình công tác đã nhiều lần bị các đối tượng gạ gẫm, mua chuộc nhưng lời từ chối đúng đắn đã giúp ông giữ được bản chất của mình.
Nhà báo lão thành Hà Đăng trao đổi tại cuộc giao lưu |
Tham luận tại hội nghị, nhà báo Vi Thuý Hường, báo Lạng Sơn chia sẻ, là nhà báo 8X, chị cảm thấy vinh dự tự hào khi làm trong cơ quan báo mạng địa phương, đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Những lần tác nghiệp gặp băng rừng, lội suối để đến với đồng bào vùng xâu vùng xa không ít khó khăn, nguy hiểm, có lần bị chửi bởi, đe doạ khi đi tìm hiểu thông tin nhưng không làm nữ nhà báo của Lạng Sơn lùi bước.
Nhà báo Vi Thuý Hường |
Nhà báo Phan Ý Linh công tác tại VTV7 chia sẻ, chị bắt đầu công việc ở Đài truyền hình Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Trong 4 năm đó, nhóm sản xuất của chị sản xuất được 24 bộ phim tài liệu, trong đó có 5 bộ phim dành cho VTV đặc biệt. Đó là 4 năm may mắn của chị và ekip khi luôn gặt hái được những giải thưởng trong và ngoài nước.
Trong đợt dịch bệnh Covid-19, với vai trò là người làm phim tài liệu, chị Linh và các cộng sự của mình hiểu rằng việc ghi lại toàn bộ quá trình mà chúng ta đối diện và xử lý dịch bệnh là điều vô cùng cần thiết.
Đây sẽ là một dữ liệu lịch sử quan trọng cho quốc gia và thế hệ sau này, cho thấy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của mọi người dân Việt Nam; những nỗ lực, phát minh sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam trong việc chung tay với thế giới đẩy lùi dịch bệnh.
Những khó khăn và hiểm nguy cho ekip hiểu thêm về bản thân cũng như những giới hạn của mình.
“Thay vì ngần ngại, chúng tôi cảm thấy thật tự hào vì được có mặt trong những giờ phút khó khăn của đất nước. Dù có những ngày ekip chỉ có mỳ tôm và trứng luộc mua tại siêu thị cho bữa trưa và tối thì cũng chưa một lúc nào cảm thấy mệt mỏi mà lồng ngực luôn căng tràn nhiệt huyết”, chị Linh nói.
Chị cũng bày tỏ, trong quá trình sản xuất, dù gặp may mắn tới đâu cũng sẽ không tránh được những khó khăn. Nhưng ekip luôn giữ cho mình sự lạc quan, học sự kiên nhẫn và thích ứng với hoàn cảnh.
Sự thành công của một tác phẩm, đối với chị là sự bình an, vui vẻ của nhân vật và toàn bộ ekip sau khi kết thúc từng bộ phim. Thành công là khi nhân vật nghĩ tới mình, họ thấy hạnh phúc vì đã có những lúc được trải lòng, được trân trọng, được kể lại.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vinh danh các nhà báo lão thành cách mạng |
Đấu tranh với thông tin sai trái trên mạng xã hội
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi “đầu sóng”, “ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo… Đồng thời bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp.
Không ít nhà báo đã có nhiều bài viết mang tính chất phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...).
Thường trực Ban Bí thư cho hay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cách mạng. Những người làm báo Việt Nam không ngừng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng |
Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Đông đảo những người làm báo đã chịu khó học hỏi, nâng cao tri thức, trình độ tác nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.
Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác.
Thường trực Ban Bí thư nhắc tới một bài báo của báo Thanh Niên đưa thông tin về xe biển xanh ở Hậu Giang.
Thông tin sau đó được Tổng bí thư yêu cầu UB kiểm tra TƯ vào cuộc. Chỉ trong 20 ngày, UB kiểm tra TƯ đã có kết quả thông báo công khai trên báo chí. Những người vi phạm đã được xử lý nghiêm.
Theo Thường trực Ban Bí thư, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội...
Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai trao bằng khen cho những người làm báo tiêu biểu |
Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”.
Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.
Báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Ngoài ra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội.
“Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo”, Thường trực Ban Bí thư nói.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.
Mạng xã hội nhiều thông tin nhưng không thay thế được báo chính thống
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy tại cuộc gặp mặt, chúc mừng 187 nhà báo tiêu biểu, đại diện cho những người làm báo cả nước diễn ra vào tối nay (12/6).
Hương Quỳnh - Ảnh: Phúc Quang