Điều quan trọng nhất để gìn giữ hạnh phúc vợ chồng chính là sự tin tưởng. Bởi trong cuộc sống hôn nhân, chỉ một chút ngờ vực cũng sẽ làm tổn thương tình cảm đối phương.
Mới đây một người chồng đã lên mạng tâm sự về sai lầm mình từng mắc phải. Câu chuyện anh kể như sau:
"Sau cưới, tôi giao toàn bộ tài chính kinh tế cho vợ giữ. Tuy nhiên, vợ chồng tôi mới mua nhà còn nợ ngân hàng một khoản lớn nên tôi với em quy định, hàng tháng nhận lương tôi sẽ giữ một nửa để trả nợ, nửa còn lại đưa vợ lo trang trải cuộc sống. Cụ thể lương tôi 40 triệu, tôi đưa lại cho vợ 20 triệu cộng với 10 triệu lương của em nữa là thành 30 triệu. Số tiền này tuy không nhiều nhưng cũng thoải mái chi tiêu, lo học hành cho 2 con.
Bài chia sẻ của người chồng.
Vậy nhưng tôi để ý khoảng 3 tháng trở lại đây vợ mình quản lý tiền bạc rất bất ổn. Bình thường tính vợ tôi cẩn thận lại lo xa, lúc nào em cũng sợ chồng con thiếu chất nên mâm cơm vợ nấu luôn đầy đặn thức ăn, ít cũng phải hai, ba món một bữa. Song thời gian này, bữa cơm của vợ tôi rất đơn giản, lượng thức ăn rút xuống gần như chỉ còn một nửa. Có hôm vợ còn chỉ làm vài quả trứng tráng với bát canh là xong bữa. Vấn đề ở chỗ, rõ ràng vợ giảm bớt rất nhiều khoản nhưng tháng nào em cũng giục tôi đưa thêm tiền. Đây là điều trước đây chưa từng có.
Đỉnh điểm là cách đây hơn tuần, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ cô giáo dạy thêm tiếng Anh của con gái lớn. Cô nhắc rằng đã 2 tháng gia đình chưa gửi học phí cho cô, tôi sững người vì tiền học của con xưa nay vợ luôn để riêng và chưa bao giờ nộp chậm. Hôm ấy tôi bực lắm, trong lòng nảy sinh đủ mọi nghi ngờ nghĩ chắc vợ lại giấu tiền làm điều gì mờ ám nên tài chính mới thâm hụt như vậy. Lập tức tôi lao xe về nhà tính hỏi em cho ra nhẽ nhưng tới nhà không thấy vợ đâu, vậy là tôi lục tung nhà tìm xem có bí mật nào cô ấy đang giấu giếm.
Kiếm các nơi không thấy gì, cho tới khi mở túi xách tay của vợ, tôi mới sững sờ thấy có tới chục tờ hóa đơn thanh toán viện phí, hóa đơn mua thuốc trong viện. Còn đang hoảng hồn không biết những giấy tờ đó là thế nào thì vợ tôi đi chợ về. Biết không thể giấu thêm, cô ấy lên tiếng thích: 'Mẹ anh ốm nặng, bà nằm viện mấy tháng nay. Em không thể phủ nhận bà là bà nội của con em, là người sinh ra chồng em. Bà không có ai nương tựa, em làm sao bỏ mặc được'.
Người vợ nhắc tới chính là mẹ đẻ tôi, cũng là người tôi hận suốt 27 năm nay. Khi tôi được 8 tuổi, bà bỏ bố con tôi đi theo người đàn ông khác. Suốt 20 năm, bà không 1 lần quay về quê thăm con. Mãi tới khi tôi lập gia đình, bà mới tìm tới xin tha thứ. Tất nhiên tôi không thể nào chấp nhận dù bà có giải thích, năn nỉ cỡ nào. Ngày ấy vợ cũng khuyên tôi nên tha thứ đón nhận lại bà mà tôi không chịu. Sau đấy em lại âm thầm liên lạc với mẹ. Biết tin bà ốm không người chăm sóc, em giấu chồng mang tiền trả viện phí, lo thuốc men cho bà.
Nghe những lời từ vợ, tôi như hóa đá. Cô ấy đã thuyết phục, động viên tôi rất nhiều để hàn gắn lại tình mẫu tử với mẹ. Thực sự đứng trước việc làm của vợ, tự nhiên tôi thấy mình thật nhỏ bé bởi vợ quá bao dung, rộng lượng. Hôm ấy, tôi phải chính thức nói lời xin lỗi em. Cũng nhờ có vợ làm cầu nối mà tôi mới có thể mở lòng đón nhận lại mẹ. Giờ mọi thứ đã vui vẻ trở lại, tôi thật sự phải cảm ơn vợ rất nhiều".
Phụ nữ thường là vậy, khi yêu luôn hết lòng và sẵn sàng hi sinh thầm lặng vì người đàn ông của mình. Anh chồng trong câu chuyện trên thật sự quá may mắn khi lấy được người phụ nữ yêu anh chân thành tới thế. Theo dõi hết câu chuyện, hầu hết mọi người đều chúc mừng anh cùng lời nhắn nhủ kèm theo rằng anh nhớ phải dùng cả đời để yêu thương và trân trọng lại cô ấy.
Theo Gia đình và Xã hội
Tình cờ gặp vợ cũ đang trông xe, chồng thương tình cho 1 triệu
Bẵng đi 3 năm sau, vào một ngày không báo trước, họ tình cờ đụng độ ở một địa điểm mà Khoa khó lòng ngờ tới được.