Cô gái được nhắc tới ở trên là Trần Minh Huệ, 27 tuổi. Cô đang làm phó phòng tại một công ty xuất nhập khẩu lao động sang Đài Loan. Thu nhập của cô ở mức 20 triệu đồng/tháng.
Khi còn là sinh viên Đại học Thương mại, cũng như nhiều nữ sinh khác, Huệ (quê ở Thái Bình) phải đi ở trọ và làm thêm. Vì không muốn xin tiền bố mẹ nên ngay từ năm thứ hai, Huệ đã đi làm thêm lấy tiền tự trang trải tiền học và tiền sinh hoạt. Vừa đi dạy tiếng Trung vừa làm đủ nghề nên Huệ đã có cơ hội trải nghiệm cuộc sống rất tốt.
Tuy nhiên, khi đó, cô không có thói quen mua vàng tích trữ hay tiết kiệm. Ngoài trang trải cho cuộc sống sinh viên, Huệ gửi tiền về nhà phụ mẹ nuôi em trai ăn học. Thói quen tích trữ vàng chỉ bắt đầu có từ khi Huệ ra trường đi làm.
22 tuổi, Huệ ra trường và bắt đầu công việc biên, phiên dịch viên cho một công ty xuất nhập khẩu với mức lương cứng 9 triệu đồng. Vì thuê chung nhà với một người bạn nên tiền thuê nhà chỉ hết khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Cộng với 3 triệu chi tiêu ăn uống, góp với bạn cùng phòng. Tổng cộng, Huệ chi hết khoảng 5-5,5 triệu đồng/tháng.
Nhờ tiết kiệm 1 chỉ vàng/tháng, sau 5 năm cô gái có trong tay 600 triệu đồng (ảnh minh họa) |
“Số tiền 3-4 triệu còn dư ra, tôi để dành tiết kiệm. Định dồn vào gửi ngân hàng thì mẹ gợi ý mỗi tháng nên mua 1 chỉ vàng tích lũy. Thế là từ đó, tôi có thói quen mua vàng tiết kiệm. Mỗi tháng, tôi mua 1 chỉ rồi cất đi. Cuối năm được thưởng Tết thì tôi mua 2 chỉ. Cứ đầu năm sau lôi vàng ra ngắm cũng thích. Tôi nghĩ chịu khó mua vàng tích lũy, vài năm sau có một khoản lớn để lập nghiệp hay làm gì thì làm”, Huệ chia sẻ.
Cứ thế, Huệ bắt đầu mua vàng từ ngày 30/1/2015, khi giá vàng giao dịch ở mức 35,27 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,31 triệu đồng/lượng (bán ra). Do mới đi làm nên mỗi tháng, Huệ mua được 1 chỉ vàng.
Số tiền còn thừa, cô lại góp để mẹ đóng tiền học cho em trai. Đến Tết, do được thưởng 1 tháng lương nên Huệ thường mua 2 chỉ. Số tiền còn lại Huệ đưa mẹ chi tiêu Tết.
“Mỗi năm tôi mua được 13 chỉ vàng. 3 năm tôi mua được 39 chỉ vàng cả thảy. Ngoài mua vàng tiết kiệm, tôi cũng tranh thủ thời gian đầu tư cho bản thân bằng việc tự học thêm tiếng Trung cùng nhiều kỹ năng khác khi làm việc. Đầu tư cho bản thân bằng việc tự học cũng là cách giúp thu nhập trong tương lai không ngừng tăng lên”.
Nhờ đó, 2 năm gần đây, do không ngừng phấn đấu trong công việc, Huệ đã được lên chức Trưởng nhóm rồi Phó phòng một công ty xuất nhập khẩu với mức lương tăng từ 15 triệu lên 20 triệu đồng/tháng. Từ ngày được tăng lương, cô vẫn giữ thói quen mua vàng đều đặn mỗi tháng.
“Khi lương tăng lên 15 triệu/tháng, tôi mua 2 chỉ vàng. Khi lương tăng lên 20 triệu, tôi mua 3 chỉ vàng. Cuối năm thưởng Tết thì tôi mua gấp đôi tháng thường. Đặc biệt, thời điểm đó em trai tôi là sinh viên nên tôi không cần chu cấp thêm nữa. Có chút tiền nào dư ra ngoài biếu mẹ, tôi vẫn quyết tâm mua vàng đều đặn”, Huệ vui vẻ kể.
Tính ra, 1 năm khi có mức lương 15 triệu, Huệ mua 2 chỉ/tháng thì để ra được 24 chỉ/năm. 1 năm khi lương tăng 20 triệu, Huệ mua 3 chỉ vàng/tháng thì để ra được 38 chỉ/năm. Tổng cộng suốt 5 năm ra trường đi làm, Huệ có 99 chỉ, tương đương gần 10 cây vàng.
“Sau 5 năm tích lũy tiết kiệm bằng vàng, tôi mua vàng từ khi giá 35 triệu đồng/lượng, đến ngày 6/8/2020, quan sát thấy giá vàng lần lượt phá ba mốc kỷ lục 60, 61 rồi 62 triệu đồng/lượng (bán ra) và 60 triệu đồng/lượng (mua vào), tôi quyết định đem bán hết 10 cây vàng và thu về 600 triệu đồng”, Huệ nói.
Với số tiền này, Huệ quyết định đầu tư kinh doanh. “Do khi đi làm, tôi có nhiều khách hàng kinh doanh bất động sản nên cũng tham gia tìm hiểu. Tôi gửi 400 triệu đồng về quê nhờ mẹ mua cho một mảnh đất 35 m2, ngõ rộng 2m để đó vài năm. Số tiền 200 triệu còn lại, ngày 29/3/2021 vừa qua, tôi quyết định mua vàng với giá gần 55 triệu đồng/lượng. Với số tiền trên, bù thêm một ít, tôi mua được 4 cây vàng tích lũy”.
Như vậy, chỉ với 5 năm đi làm, cô nàng công sở này nhờ thói quen tiết kiệm và có tính kỷ luật khi tiết kiệm đã có trong tay hơn 600 triệu để khởi nghiệp kinh doanh, tạo tiền đề cho tiền đẻ ra tiền trong tương lai.
Thảo Nguyên