Theo đó, vào ngày 29/6/2020, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (viết tắt là SCB Việt Nam) có văn bản yêu cầu bán đấu giá tài sản của Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO - đóng tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Ngày 14/7/2020, TAND tỉnh Bình Định đã có quyết định về việc bán đấu giá tài sản của BISUCO để đảm bảo chi phí phá sản.
Công ty CP đường Bình Định được bán đấu giá hơn 62 tỷ đồng. |
Theo Công ty Hợp danh quản lý, thanh lý tài sản Việt, trong danh sách niêm yết các chủ nợ của BISUCO, Ngân hàng SCB Việt Nam là chủ nợ lớn nhất của BISUCO với số tiền hơn 876 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng SCB Việt Nam đã tạo điều kiện cho BISUCO tự nguyện thi hành án trong thời gian dài.
Tuy nhiên, BISUCO vẫn không thanh toán khoản nợ cũng như không tự nguyện giao tài sản thế chấp cho Ngân hàng SCB Việt Nam. Do đó, Ngân hàng SCB Việt Nam được thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Ngày 25/8/2020, Công ty Hợp danh quản lý, thanh lý tài sản Việt (VALAMCO) ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với Công ty Đấu giá hợp danh Toàn cầu Group (Toàn Cầu Group).
Ngày 10/12/2020, Toàn Cầu Group tiến hành tổ chức phiên đấu giá tài sản của BISUCO tại TP Quy Nhơn (Bình Định).
Sau nhiều năm ngừng hoạt động, máy móc trong nhà máy bị tháo tung như đống sắt vụn |
Kết quả, Công ty TNHH Phương Tùng Bách có địa chỉ tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Giang) trúng đấu giá với số tiền gần 62,5 tỷ đồng. Đến ngày 25/12/2020, công ty này đã chuyển số tiền gần 62,5 tỷ đồng vào tài khoản của TAND tỉnh Bình Định.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, sau khi bán đấu giá tài sản sẽ ưu tiên trả nợ tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội cho người lao động do công ty phá sản.
Như Dân trí, tính đến tháng 12/2019, Công ty CP đường Bình Định còn nợ 23 đơn vị với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng (cả gốc và lãi), trong đó khoản nợ lớn nhất là Ngân hàng Standard Chartered hơn 876,7 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại CP Quốc tế - chi nhánh TP Hồ Chí Minh hơn 98,8 tỷ đồng, Cục Thuế Bình Định 26 tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội huyện Tây Sơn hơn 7 tỷ đồng, Công đoàn Công ty CP đường Bình Định hơn 17 tỷ đồng (tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc của người lao động)…
Trong khi đó, từ giữa năm 2018, lao động tại Công ty CP Đường Bình Định bị nợ tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội của gần 300 lao động, nhưng chủ công ty là người Ấn Độ đã rời khỏi Việt Nam.
Tháng 9/2019, TAND tỉnh Bình Định có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Đường Bình Định và chỉ định Công ty hợp danh quản lý thanh lý tài sản Việt tham gia quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản này.
(Theo Dân Trí)