- Quà ngày 20/11 đầu tiên là một chiếc cà vạt màu đen treo ở xe 81 cà tàng kèm lời nhắn “em thấy thầy thích mang cà vạt màu đen nên em tặng thầy làm kỷ niệm...”.
Anh Phạm Thái Sơn, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, vẫn không quên ngày 20/11 cách đây cách đây 14 năm, khi nhận được món quà là chiếc cà vạt màu đen treo ở chiếc xe 81 cà tàng.
Anh Sơn vẫn nhớ cảm giác vừa bối rối, vừa đắn đo suy nghĩ khi nhìn thấy món quà hôm đó. Nhưng đọc xong lời chúc thì anh thấy ấm lòng, xen lẫn cảm giác mắc cỡ...
Năm 2002, anh Sơn là giảng viên trẻ của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, được phân công dạy các môn học đại cương nên không có nhiều thời gian gắn bó với sinh viên. Dạy gần một năm thì nhà trường yêu cầu tất cả giảng viên nam đều phải đeo cà vạt.
Đi làm gần một năm thì nhận “lệnh” giảng viên nam tới trường đều phải đeo cà vạt. Chết rồi, từ trước tới giờ mình chỉ thấy những ông sếp bệ vệ trong bộ comple, xách theo vali mới đeo cà vạt. Hồi sinh viên, thỉnh thoảng được chiêm ngưỡng các thầy mang cà vạt nhưng đó là trong dịp khai giảng, tổng kết. Chưa thấy “anh” thầy nào gầy nhom, trẻ măng, đi xe cọc cạch, đeo cà vạt bao giờ.
Nghĩ mình đeo cà vạt chắc sẽ kì kì nên lần lữa mãi chẳng chịu mua. May mắn có một chị dạy môn tiếng Anh trong khoa tặng cho cái cà vạt màu đen, mà chị nói “ông xã của chị nhiều lắm, đeo không hết”. Từ đó, ngày nào mình cũng mang cái cái cà vạt màu đen đến trường mà không nghĩ ngợi gì.
Ngày trẻ, mình thích tham gia các hoạt động của sinh viên. Ngày 20/11 đầu tiên của đời đi dạy, sau khi tham gia gặp mặt kỷ niệm xong thì chơi với mấy bạn sinh viên gần hết ngày. Đúng là bạn vì tụi nó chỉ thua mình vài ba tuổi. Mãi tới tối xuống lấy xe về chợt thấy một cái túi nhỏ dắt ở chiếc 81 cà tàng. Đó là chiếc xe cũ kĩ, nhưng do mẹ dành dụm mua cho lúc tốt nghiệp để đi làm.
Lúc đó, mình cũng không để ý lắm đến cái túi nhỏ nên chạy xe về sau một ngày mệt nhoài. Tới nhà, mở túi ra thấy có một cái cà vạt đen thui, một bông hoa hồng và một tấm thiệp chúc mừng ngày 20/11.
Cảm giác ban đầu thật sự rất bối rối, đắn đo và không hiểu tại sao lại được tặng cà vạt màu đen. Lo lắng lắm vì giảng viên trẻ thường hay nhạy cảm.
Nhưng khi mở tấm thiệp thì có lời nhắn “Chúc mừng thầy nhân ngày 20/11. Em thấy thầy thích đeo cà vạt màu đen nên em gửi tặng thầy làm kỷ niệm. Chúc thầy luôn đẹp trai, vui vẻ và dạy tốt. Nhớ thầy…”.
Trời ơi, đọc xong lời chúc mà thấy ấm lòng và mắc cỡ. Chợt nghĩ chắc chúng nó ngưỡng mộ một thầy giáo da nâu, cao 1m75, nặng chưa 65kg, chưa có vợ và bụng không to như bây giờ…
Đó là món quà vật chất duy nhất ngày 20/11 năm đó. Món quà mà bây giờ mình không biết ai tặng, nhưng món quà mà mình nhớ mãi…
Anh Sơn nói từ ngày có facebook, zalo… thì mỗi dịp 20/11 nhận được nhiều lời chúc mừng hơn, nhiều món quà tinh thần động viên hơn. Nhưng món quà trong ngày 20/11 đầu tiên làm anh nhớ mãi.
Sau đó, anh mang mãi cà vạt màu đen, vì thực sự cũng chỉ có có hai chiếc cùng màu đó. Cho đến khi chuyển văn phòng khoa sang địa điểm khác thì bị thất lạc cả hai.
“Mình ấn tượng mãi vì mới là một giảng trẻ mà đã được các bạn sinh viên để tâm. Kỷ niệm đó cũng là một động lực để mình theo đuổi nghề nghiệp đến bây giờ. Mỗi khi nhớ đến, mình có thêm động lực để giảng dạy, bởi nó nhắc nhở rằng thực sự các bạn sinh viên rất quan tâm đến thầy cô. Còn trách nhiệm của thầy cô, dù ở phổ thông hay đại học, đều không có gì khác ngoài việc phải có tâm với nghề” - anh Sơn chia sẻ.
Tuệ Minh
Bịch sung xanh tặng cô giáo của cậu học trò lớp 1
Biết cô giáo thích ăn quả sung xanh, cậu học trò lớp 1 nhờ bố đi hái để tặng cô giáo. Sau 8 năm, em cùng mẹ về thăm cô giáo cũ nhân ngày 20/11. Em tặng cô thịt heo sạch nhưng không quên kèm theo một bịch sung xanh.
Chiến sĩ biên phòng 25 năm dạy xóa mù chữ cho hơn 100 lớp học
Trong gần 26 năm công tác tại các đồn biên phòng ở Đà Nẵng, Trung tá Mai Văn Sơn (Đồn Biên phòng Hải Vân) đã vận động, tham gia mở và giảng dạy trên 100 lớp học xóa mù chữ cho bà con khó khăn.
Cô giáo trẻ không cho phép mình gục ngã
Không may mất một chân vì tai nạn giao thông, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm không chỉ vượt lên nghịch cảnh của số phận mà còn dùng chính sự bất hạnh của bản thân để truyền cảm hứng sống và vươn lên cho những người khác.