- Nếu ai đã từng gặp Đại tướng, được làm việc hoặc nói chuyện với ông, hẳn cảm giác đó sẽ càng rõ rệt hơn trong những ngày này.
TIN BÀI KHÁC
Cách đây hai hôm, nhà báo Bùi Thanh Hồng - Phó Giám đốc Đài PT-TH Đồng Tháp gọi điện thoại hỏi tôi: “Dương Thủy có ra Hà Nội viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không?” - Giọng anh đượm buồn. Và tôi cũng vậy.
Tôi nói với anh tôi rất buồn vì không ra Hà Nội được, nhưng cũng như hàng chục triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, tôi vô cùng tiếc thương Đại tướng - một người con ưu tú của Việt Nam, một nhà quân sự lỗi lạc, một học trò xuất sắc của Bác Hồ. Ông còn là một người anh, người bác, người ông rất thân thiết và hiền lành trong mắt tất cả mọi người. Nếu ai đã từng gặp Đại tướng, được làm việc hoặc nói chuyện với ông, hẳn cảm giác đó sẽ càng rõ rệt hơn trong những ngày này.
Anh Bùi Thanh Hồng báo cho tôi biết Ban Giám đốc Đài PT-TH Đồng Tháp đang xem lại băng phỏng vấn cũ do tôi thực hiện vào năm 1991 để làm một ghi nhận truyền hình về hai chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tỉnh Đồng Tháp (1991 và 1995).
Trong chuyến thăm, Đại tướng không chỉ hỏi han tình hình địa phương; tìm hiểu đời sống, mức sống của nông dân vùng sâu mà còn quan tâm đến tình hình công tác của các nhà báo địa phương. Nhóm phóng viên ở Đài PT-TH tỉnh Đồng Tháp có hai cô gái, tôi bên Truyền hình còn chị Ngọc Trắng bên Phát thanh. Đại tướng bảo: “Hai nữ phóng viên trẻ mà chịu cực như thế này, giỏi lắm! Nếu có ra Hà Nội các cháu cứ gọi điện thoại cho Bác, Bác sẽ cho người đưa đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Hồ Gươm. Hà Nội là Thủ đô của chúng ta. Hà Nội có Hồ Gươm là thắng cảnh đẹp nhất, các nhà báo cũng nên ra thăm một lần cho biết”.
Tác giả đứng giữa, cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Những năm đó, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn rất nghèo. Đại tướng và đoàn công tác đi thăm vùng sâu huyện Tháp Mười bằng ca nô. Dọc đường, Đại tướng cứ suýt xoa vì thấy ven kênh rạch có rất nhiều nhà tre lá. Đại tướng nhắc anh tài công đừng chạy ca nô quá nhanh kẻo bà con hai bên bờ sông phải giật mình. Người lớn vất vả mưu sinh đã đành, học trò vùng sâu phải học ghép hoặc học 3 ca một ngày trong những cái chòi trống huơ trống hoác, bốn bề lộng gió. Đại tướng nhìn mấy cục gạch kê chân bàn học bên thấp bên cao, mấy cái đầu tóc vàng hoe khét nắng đang cặm cụi bên những quyển vỡ nhàu không có bao bìa, những đôi mắt trong veo, ngơ ngác…rồi ông chép miệng nói với Chủ tịch huyện: “Dù có khó khăn mấy các đồng chí cũng phải lo sao cho bọn trẻ con được học hành đàng hoàng hơn nhé!”. Đại tướng nói rất nhẹ nhàng, nhưng ai cũng biết các đồng chí lãnh đạo địa phương không thể bỏ qua lời nhắc nhở của Người.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức liên hoan tiễn Đại tướng về Hà Nội, trong ngày cuối của chuyến thăm tỉnh Đồng Tháp, 09/3/1991. |
Thật may mắn và vinh dự cho tôi được gặp gỡ và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên tôi gặp một người mà cả thế giới phải ngưỡng mộ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe nói đến cụm từ Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày cuối của chuyến thăm, Đại tướng đưa cho tôi một tập tài liệu in mỏng rồi bảo tôi hãy về đọc và đọc cho kỹ. Tập tài liệu có khoảng 10 trang, nhưng trong đó ông đặt ra hai vấn đề rất lớn lao: Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đạo đức Hồ Chí Minh. Cuối tập tài liệu có chữ ký nghiêng nghiêng và tên của Đại tướng được viết tay. Tôi còn nhớ, nét chữ và chữ ký của Đại tướng thể hiện tư chất của một vị tướng lĩnh, cứng cỏi nhưng không quá sắc bén lạnh lùng. Tôi đã nghĩ rằng, tập tài liệu là phần tinh túy nhất trong một công trình nghiên cứu nào đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự yêu mến, kính trọng của ông đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của đất nước. Và tất nhiên, Đại tướng muốn truyền đến cho tôi và những thế hệ sau tôi tình cảm đẹp đẽ đó.
Khi viết những dòng này, tôi nghĩ mình như một đứa cháu nhỏ, đang nhớ về người ông của mình. Dù ở nơi xa xôi, nhưng tôi vẫn muốn thành tâm thắp nén hương thơm tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đảo Yến xanh và sóng biển hiền hòa của quê hương Quảng Bình sẽ mãi mãi vỗ về giấc ngủ bình yên của Đại tướng.
TP. Hồ Chí Minh, 10/10/2013
Dương Thủy