Sáng nay, ông Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn), cho biết, đang điều trị cho một bệnh nhân là ni cô nghi ngộ độc pate Minh Chay.
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đang điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay |
Theo ông Ân, trưa 4/9, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.T.A.T. (sinh năm 1959, là ni cô ở một ngôi chùa trên địa bàn phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) với triệu chứng khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, khó nuốt.
“Vị ni cô cho biết, cách đây mấy ngày, có triệu chứng mệt, khó thở sau khi ăn pate Minh Chay. Sau đó, ni cô tiếp tục ăn loại thực phẩm này thì bệnh tình chuyển nặng nên nhập viện cấp cứu”, ông Ân nói.
Cũng theo ông Ân, hiện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức điều trị cho tổng cộng 4 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay.
Trước đó, khoảng 14h ngày 1/9, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận bệnh nhân L.T.V.K. (sinh năm 1990, trú huyện Đại Lộc) và V.T.H. (sinh năm 1965, trú thị xã Điện Bàn) nhập viện với triệu chứng mệt, khó thở, đau họng, khó nuốt.
Khoảng 20h ngày 2/9, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.T.N. (sinh năm 2005, trú Hội An) với triệu chứng tương tự.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 27/8, chị V. làm 2 ổ bánh mì có sử dụng pate Minh Chay cho 4 người ăn gồm: chị V., bà H. và em N. Sau khi ăn, cả ba đều bị ngộ độc nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Ngành Y tế đã lấy mẫu pate Minh Chay gửi đi xét nghiệm |
Ngành Y tế Quảng Nam đã lấy mẫu sản phẩm pate Minh Chay gửi đi xét nghiệm. Ngoài ra, Sở Y tế Quảng Nam đã ra công văn yêu cầu các địa phương ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm pate Minh Chay, niêm phong sản phẩm cũng như khẩn cấp thu hồi 13 sản phẩm của công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới.
Đơn vị chức năng cũng thông tin cảnh báo khẩn cấp đến người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế địa phương nếu còn sản phẩm này.
Lê Bằng
Độc tố botulinum trong pate Minh Chay gây ngộ độc sau vài giờ đến 2 tuần
Sau khi ăn thực phẩm chứa vi khuẩn khuẩn kỵ khí, bệnh nhân thường ngộ độc sau 1-1,5 ngày, tuy nhiên có thể có triệu chứng ngay sau vài giờ hoặc kéo dài đến 2 tuần.