Khi còn là một học sinh cấp hai nghịch ngợm tại thành phố Davao, miền nam Philippines, cuộc sống của Reb Buendia đã thay đổi mãi mãi. Cậu bé mua chiếc smartphone đầu tiên, để rồi không thể buông bỏ nó.
Buendia, nay đã 21 tuổi, mỗi ngày dành tới 14 tiếng 23 phút trên smartphone. Anh thường dán chặt mắt vào màn hình trong khi ăn tối cùng gia đình, mua sắm hay ngồi trên giảng đường. Anh nói chuyện với bạn trên Facebook, xem video, gọi video trước khi đi ngủ, thường là sau 2 giờ sáng.
“Tôi làm mọi thứ trên smartphone. Tôi không có cách nào sống thiếu nó”, Buendia thừa nhận.
Thời gian lên mạng trung bình mỗi ngày nửa đầu 2019 (Philippines) và nửa đầu năm 2020 (các nước còn lại). (Nguồn: Global Web Index) |
Khảo sát thói quen sử dụng phương tiện tại 42 quốc gia của GlobalWebIndex, một công ty định hướng khán giả tại Anh, cho thấy người dùng tại 12 nước dành hơn một nửa thời gian thức trong không gian kỹ thuật số. Người dân Philippines bỏ nhiều thời gian nhất, trung bình hơn 10 tiếng mỗi ngày cho máy tính, smartphone và các thiết bị điện tử khác. Mốt số nước đang phát triển như Thái Lan, Nam Phi, Brazil cũng xếp hạng cao trong danh sách.
Xu hướng chuyển dịch sang đời sống kỹ thuật số đang gia tăng, một phần do Covid-19. Tuy nhiên, nó có thể mang đến cái giá đắt.
Những giờ làm việc kéo dài trên máy tính bắt đầu ảnh hưởng đến tinh thần của Kaito Yamada, nhân viên 37 tuổi tại một công ty ở Tokyo. Đầu tháng 12/2020, Yamada nhận thấy mình rơi nước mắt khi đột nhiên cảm thấy trống rỗng. “Vì sao mình không thể ngừng khóc nhỉ”, anh tự hỏi. Bản năng mách bảo anh đang trải qua trầm cảm.
Trong 1,5 năm, Yamada phụ trách thiết kế web cho công ty. Do dịch bệnh buộc phải làm việc từ xa, số giờ làm việc cũng tăng lên, thường tới tận nửa đêm. Anh gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người xung quanh và dần cảm thấy lạc lõng. Anh không phải người duy nhất phải đối phó với hiệu ứng từ công nghệ số đến sức khỏe tinh thần.
Theo khảo sát 3 triệu nhân viên khắp thế giới của Đại học Kinh doanh Harvard, trung bình số giờ làm của một người lao động hàng ngày tăng thêm 48,5 phút, còn số cuộc họp tăng 12,9%. Toshinori Kato, chuyên gia về chức năng não bộ, cho rằng họp qua điện thoại thực tế làm giảm năng suất chứ không tăng. Bởi vì rất khó để phát hiện những thay đổi thoáng qua trong cảm xúc của người khác so với gặp mặt trực tiếp. Do vậy, mất thời gian hơn để đoán được ý định của những người cùng họp.
Theo ông Kato, “não người chưa thích ứng đầy đủ với công nghệ mới nhất”. Ông cảnh báo về “cái bẫy của số hóa”, có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất tổng thể của xã hội.
Thế giới ngày càng số hóa hơn. Xu hướng chuyển dịch sang thế giới ảo không thể dừng lại, bất chấp nó dẫn đến một cuộc cách mạng hay thoái hóa của loài người. Nhưng không phải ai cũng nao núng trước viễn cảnh này.
Avatar của Peter Scott-Morgan nhìn giống hệt phiên bản thực. |
Peter Scott-Morgan, một nhà khoa học kiêm chuyên gia robot người Anh, sống “nửa người, nửa máy” đã được 1,5 năm. Từ khi được chẩn đoán mắc bệnh tế bào thần kinh vận động, ông đã sử dụng các công nghệ mới nhất để cấy ghép hầu hết chức năng vận động vào máy móc.
Scott Morgan chuyển biến suôn sẻ từ thế giới vật lý sang kỹ thuật số với avatar của mình, nó có vẻ ngoài và nói năng giống hệt ông. Avatar mấp máy môi theo bài phát biểu và còn biết biểu thị cảm xúc.
Ông phải thở máy và đặt ống truyền thức ăn với hậu môn nhân tạo gắn vào ruột già. Thay vì cảm thấy bị bó buộc, ông lại tận hưởng kết quả tuyệt vời của “Peter 2.0”.
“Tôi có thể nói chuyện rõ ràng khi miệng đang khép, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tôi có thể hát với âm vực cao hơn bất kỳ ca sỹ chuyên nghiệp nào. Tôi cũng làm việc 7 ngày trên tuần, chăm chỉ hơn bất kỳ thời điểm nào trong sự nghiệp. Peter 2.0 của tôi không bao giờ già đi”, ông chia sẻ.
Không gian kỹ thuật số có tiềm năng cho phép những người được giải phóng khỏi các hạn chế về thể lực và vượt qua ranh giới không gian, thời gian hay tất cả mọi loại khuyết tật. Nó có thể trở thành công cụ mạnh mẽ cho nhiều hoạt động sáng tạo, mở khóa năng lực mới của con người.
Du Lam (Theo Nikkei)
Con người dần vắng bóng tại các dây chuyền sản xuất Trung Quốc
Do thiếu hụt lao động, các nhà máy Trung Quốc bắt đầu dùng tới máy móc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu.