Có thể không phải nàng dâu nào cũng chịu cảnh bị ức chế về chuyện “mẹ chồng – nàng dâu, nhưng các cụ đã bảo chuyện nàng dâu về nhà chồng đích thực là nhà chồng “mua mâm” nên phải “đâm cho thủng”!
Mở đầu câu chuyện mẹ chồng, nàng dâu thường thì ít khi có nàng dâu nào mở miệng khen mẹ chồng và ngược lại, nếu có thì cũng do khéo léo mà ra hoặc hãn hữu có những cặp mẹ chồng, nàng dâu ăn ý thật. Còn lại, phần nhiều luôn là những câu chuyện ức chế, cám cảnh giữa hai người đàn bà cùng yêu chung một người đàn ông này.
Tôi cũng không ngoại lệ. Lấy chồng khi còn đang đi học đại học, vì có bầu nên phải cưới. Chồng tôi là bạn học trên tôi một khóa, tình yêu giữa chúng tôi là có thật nhưng nếu để nói yêu xác định thì không, vì anh ấy còn quá trẻ con và còn đang sống dựa vào cha mẹ, làm sao tôi có thể nhìn thấy tương lai của bản thân tôi và con tôi ở một người đàn ông như thế? Nhưng biết làm sao bây giờ? Cuộc tình dù đúng dù sai thì người có thai vẫn là phụ nữ, một khi đã mang thai trước khi cưới, thì bạn có ở địa vị nào trước đó, bây giờ cũng chỉ là “cửa dưới” mà thôi!
Ảnh minh họa |
Ngay khi biết tin tôi có bầu, mẹ chồng tôi (khi ấy còn là mẹ chồng tương lai) đã bảo chồng tôi đưa tôi về nhà gặp mặt. Đây là lần thứ 2 tôi gặp bà, lần trước có gặp qua tại trường học nhưng không nói chuyện gì nhiều, chồng tôi khi ấy cũng chỉ giới thiệu là bạn học nên bà cũng không quá quan tâm đến tôi.
Khi nhìn thấy cách mà chăm sóc con trai, tự dưng trong lòng tôi thầm nghĩ “khổ cho nàng dâu nào lấy phải người yêu tôi bây giờ, có mà mẹ chồng yêu chiều con trai thế kia thì chắc hành con dâu phải biết”. Ai có ngờ người đó lại chính là tôi!
Vừa bước chân vào nhà, mặc dù tôi đã bỏ giầy ngoài cửa và đi tất nhưng bà vẫn sẵng giọng “lau chân vào thảm hãy vào nhà, không bẩn nhà bác vừa lau”. Khi giọng sắc lẹm của bà mà tôi nổi cả gai ốc, dù đi tất nhưng theo phản xạ sợ hãi tôi vẫn răm rắp làm theo.
Ngồi đối diện tôi và bố mẹ chồng tương lai, chồng tôi ngồi bên cạnh thẽ thọt nói không ra hơi chuyện chúng tôi có bầu và xin cưới. Chưa nói hết câu thì bố chồng đã trừng mắt “cưới xin cái gì? Chúng mày đã làm ra tiền chưa mà cưới? cưới xong tao lại nuôi báo cô thêm vợ con mày nữa à?” rồi ông hầm hầm bỏ lên phòng mà không để tôi trình bày câu nào.
Chồng tôi thấy bố tức giận thì cũng cút lên phòng luôn, để tôi một mình với bà mẹ chồng tương lai chỉ chực ăn tươi nuốt sống tôi. Bà ném cho tôi cái nhìn vẻ rất coi thường, nhấp ngụm trà xúc miệng xòng xọc xong nhổ toẹt và cái bô rồi cất giọng “thế bây giờ cô định thế nào? Giữ hay bỏ? Thằng Trung là nó không muốn có con, lấy vợ bây giờ. Lấy cô là hỏng hết một tương lai của nó, ý cô thế nào cô nói tôi nghe!”.
Chưa mở lời thưa thì mẹ chồng đã cho ngay gáo nước lạnh vào đầu, nhưng tôi vẫn cố gắng nén lại sự sợ hãi và tức giận để thưa gửi “dạ, bọn cháu yêu nhau, còn trẻ người non dạ nên trót dại, dù sao đứa bé cũng là con của cháu với anh Trung nên xin bác cho chúng cháu được cưới…”.
Bà nhếch mép một cách với thái độ khó chịu “rồi ai nuôi cô, ai nuôi con cô? Con tôi tôi còn nuôi chưa xong, giờ nuôi thêm cô với con cô thì nhà tôi sạt nghiệp…” những lời khó nghe ấy tôi vẫn nhớ không sót một chữ nào. Sau đó, tôi nước mắt lã chã nghe mẹ chồng tương lai chửi bới và lôi cả bố mẹ tôi ra mắng vì cái tội không biết dạy con, để con đàng điếm, hư hỏng. Tôi cố nuốt căm hận vào lòng, nghĩ đến tương lai con tôi cần có cha, dù cha nó là một đứa trẻ con trong cái xác người lớn, chạy trốn như một thằng hèn và để lại tôi một mình chịu trận, dù là lỗi của cả hai.
Cuối cùng, mẹ đẻ tôi ra tay thì mọi chuyện mới êm xuôi. Mẹ tôi bảo “ông bà có cưới cho chúng nó không? Cưới cũng được, không cưới cũng được. Nếu cưới, con cháu tôi tôi nuôi, con ông bà thì ông bà nuôi. Còn không cưới, thì từ giờ phút này và mãi mãi về sau, ông bà và dòng họ nhà ông bà đừng bao giờ mở miệng ra nhận con, xin cháu!”. Mẹ chồng tôi khi ấy biết tôi mang thai là con trai, nên tặc lưỡi chấp nhận “máu rồng” nhà bà. Thế là cưới, thế là tôi thành con dâu của bà mẹ chồng khủng khiếp ấy!
Chúng tôi vẫn thuê nhà riêng ở ngoài, bố mẹ tôi vẫn chi trả và trợ cấp 100% cho tôi khi mang thai để chờ sinh nở thì mang con cháu về quê chăm sóc. Dù mang bầu nhưng tôi vẫn cố gắng đi học, tình cảm vợ chồng xuống dốc không phanh ngay từ khi tôi nhận ra chồng tôi chỉ là một đứa trẻ to xác và yếu ớt cả về tinh thần lẫn bản lĩnh thì tình yêu trong tôi đã chết hẳn.
Thoắt cái sắp đến ngày sinh, mẹ tôi bảo sinh xong thì về quê để mẹ tôi chăm cữ. Mẹ chồng tôi cũng đồng ý, từ ngày cưới đến ngày sắp đẻ bà chưa bao giờ đưa cho tôi một đồng nào, cũng chưa bao giờ hỏi cái thai thế nào, cứ mở miệng ra mỗi lần gọi điện thoại là nhắc tôi phải chăm sóc chồng, không chồng tủi thân, chồng bị tước mất tự do nên tâm lý không ổn, là vợ thì phải biết thương yêu chồng…Mỗi lần như thế, tôi cứ nghĩ là chồng tôi đang mang bầu chứ không phải tôi nữa!
Khi tôi sinh xong thì bỗng dưng mẹ chồng tôi bảo đưa tôi về nhà để bà chăm cữ. Tôi nói với mẹ tôi là không muốn, nhưng mẹ tôi bảo dù sao con cũng là dâu con người ta, thôi chịu khó, người ta có lòng mà…tôi đành nín nhịn mà về để mẹ chồng “chăm cữ”.
Một tháng ở cữ tôi tưởng như ở tù. Chỉ loanh quanh ở trong cái phòng 12m2, suốt ngày đóng cửa kín mít, tôi mở cửa ra cho thoáng khí thì bà quát nạt bảo phong thủy với tâm linh gì đó. Kết quả là con tôi bị thiếu vitamin D do bị cớm nắng. Ăn cơm thì ngày 2 bữa, cơm, rau ngót và đu đủ hầm xương ống. Suốt 1 tháng ăn mà cho đến giờ con tôi 5 tuổi, tôi vẫn sợ hai cái món đó chưa động đũa lần nào.
Bà đi khoe khắp nơi là lo cho tôi ăn học, lo cho tôi đẻ hết 20 triệu và giờ thì chăm sóc tôi và con vì “tội mẹ con nhà nó, không được nhà đẻ quan tâm”. Lời đến tai tôi mà tôi ức chế không chịu được, nhưng lại nhịn và đếm từng ngày mong thời gian trôi nhanh để tôi thoát khỏi ngôi nhà này, những con người chỉ dối trá, thảo mai với nhau!
Ảnh minh họa |
Bà còn có một cái thói là cứ nhìn cháu nội xong phán “sao nó không giống thằng Trung nhỉ?” làm tôi rớt nước mắt. Nếu có ai đến thăm cữ nói là giống bố thì bà bảo “thằng Trung ngày xưa đẹp gấp trăm lần thằng này!”. Ngày nào bà cũng biết cách reo rắc vào đầu tôi sự ức chế, ám ảnh và sợ hãi. Nhiều khi đầu tôi cứ ong ong, nhìn thấy cuộc đời quá bế tắc. Tôi khóc sưng vù cả mắt, may cuộc đời tôi còn có bạn bè, cha mẹ động viên yêu thương.
Thấy tôi có dấu hiệu trầm cảm khi ở nhà chồng, mẹ tôi đã đến và xin phép đưa tôi về nhà chăm sóc, dù mẹ chồng tôi tỏ vẻ không đồng ý nhưng bà ngoại vẫn kiên quyết đưa tôi về và động viên “con yên tâm, chờ bé qua đầy tháng mẹ đồng ý cho con bỏ chồng!”.
Khi bước ra khỏi ngôi nhà đó, người tôi bỗng nhẹ bẫng, tâm thái thanh thản, tôi hít một hơi thật sâu vào và đi cùng mẹ, mẹ tôi bế cháu, khi ấy tôi chưa biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu nhưng chỉ cần thoát khỏi cái nhà tù đó, là mọi nơi đều là thiên đường, và quả đúng là như thế!
(Theo Congluan)