GS, TS, Trần Đức Viên, Nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, một nghị quyết mới, sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn về người nông dân, để có thể tạo ra một thời đại mới cho nông nghiệp Việt Nam, cho nông thôn Việt Nam.

Trước đây, chúng ta đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt là Nghị quyết về tam nông). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vị thế của người nông dân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), thời kỳ chuyển đổi số đã có nhiều thay đổi.

Người dân Việt Nam vốn coi trọng nghề nông (nông nghiệp), coi hạt thóc là hạt ngọc (“ngọc thực”); triết lý của người Việt Nam coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội (“canh nông vi bản”).

Hình hài của đất nước, vóc dáng của dân tộc Việt Nam hôm nay là do nông dân tạc vào lịch sử; truyền thống và văn hóa của người Việt Nam cũng là do nông dân và các tầng lớp trí thức tinh hoa của họ tạo dựng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Không gian sống của người nông dân, cụ thể và gắn bó nhất, là làng; vì vậy, có lẽ là, làng phải là đơn vị trung tâm trong phát triển nông thôn nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, chứ không phải xã, huyện hay tỉnh.

Làng là điểm tụ cư, là nơi sinh sống và làm ăn lâu đời của nông dân ở vùng đồng bằng và trung du, với các vùng địa lý - sinh thái khác là buôn, bản, plei, sóc... có phạm vi địa lý cụ thể và mang những đặc trưng riêng biệt của cư dân, của “người làng”. Thường thì làng nào cũng có văn hóa phi vật thể riêng của làng ấy, từ tập tục, “nếp nhà”, tính nết, phong cách con người, sự cố kết của các dòng họ, lời ru của mẹ, chuyện cổ tích của bà, tiếng gà tao tác trưa hè đến lễ hội và thậm chí là cả giọng nói; đây cũng là nơi tạo dựng nên văn hóa vật chất, những thứ đã tạc vào tâm thức mỗi đứa con của làng, như cánh đồng với cánh cò lặn lội bờ sông, bến đò với lững lờ con nước tháng Ba, cây đa đợi chờ và chào đón người đi xa từ khi họ còn cách làng hàng mấy cây số; rồi thì chùa làng, ao làng, giếng làng, cổng làng, nhà thờ họ... nơi bó bện của biết bao tình nghĩa, nơi vui buồn của biết bao kiếp người...

Làng, theo những đứa con của làng, là nơi nối dài truyền thống của một vùng đất, giữ làng là giữ cái gốc để con người còn có nơi để mà hướng về cội nguồn. Chính những cái tưởng như nhỏ bé và vụn vặt này làm nên sức mạnh của làng, của dân tộc; nên, yêu làng thì yêu nước, đã yêu nước thì tất nhiên là yêu làng, yêu dân, đó là chân lý giản đơn nghìn đời nay của dân tộc này; vì vậy, giữ làng là giữ nước và ngược lại: muốn giữ nước thì phải giữ làng, giữ dân, được dân tin yêu...

Như vậy, làng mới làm nên sức mạnh văn hóa và văn hiến Việt Nam. Chúng ta đã nhiều lần mất nước, nhưng chưa bao giờ mất làng. Sức mạnh và sự trường tồn của làng thật to lớn và bền bỉ. Có làng thì mới có nước, trong ngôn ngữ của người Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà có các từ ghép “làng nước”, “nước nhà”, “đất nước” để chỉ Tổ quốc, để nói lên sức mạnh cộng đồng của người Việt Nam, sự gắn bó với quê cha, đất Tổ của người Việt Nam, cái làm nên sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Những cái “văn hóa phi vật thể’ và “văn hóa vật thể’ ấy cùng với cư dân (người làng) làm nên LÀNG. Diện mạo và đặc trưng của nông thôn Việt Nam là làng. Khi phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cần gạn đục, khơi trong để làng vẫn chứa đựng các không gian văn hóa đặc trưng xưa của làng nhưng với hơi thở mới, mang tính thời đại. Nếu không, làng Việt Nam sẽ dần biến mất, không ai và không gì có thể cứu vãn nổi.

Nhìn vào bức tranh làng quê Việt Nam từ khi có Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ai cũng phải thừa nhận, về mặt vật chất, điện - đường - trường - trạm, do Nhà nước và nhân dân cùng làm và những ngôi nhà mới xây, từ trụ sở các cơ quan đến nhà dân, nhìn chung đều to đẹp và khang trang, đã làm thay đổi hẳn khuôn mặt nông thôn, diện mạo làng quê.

Nhưng làng phải thế nào hay nên như thế nào về cả mặt hình thức thể hiện bên ngoài lẫn cái hồn cốt bên trong ở các vùng, miền khác nhau?

Một trong những nét chấm phá dễ nhận ra nhất của công cuộc xây dựng NTM hiện nay là “bê-tông hóa nông thôn” và “phố hóa làng mạc”. Làng nhìn bề ngoài thấy có vẻ là to đẹp hơn, nhưng làng thực là LÀNG thì dường như ngày càng bé lại và khiêm nhường sau những tòa nhà cao tầng “đời mới”; và cứ đà này, đến một lúc nào đó, không còn làng nữa, làng sẽ tan biến trong cơn lốc NTM và đô thị hóa!

Đối với người nông dân, đất đai là cuộc sống và cũng là văn hóa, là quê hương, là cội nguồn, là niềm tin và điểm tựa.

Bất kỳ ai, đã là người Việt Nam, hầu hết đều có một cánh đồng để nhớ, một làng quê để yêu, ở đó có thế giới tuổi thơ, nơi nhen nhóm và hun đúc nên lòng yêu nước thương nòi trong mỗi con người.

Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tăng phúc lợi cho vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững là phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. 

Do nguồn lực được ưu tiên đầu tư cho các khu vực khác, tăng trưởng nông nghiệp đang mất đi sự năng động. Giai đoạn 1990 - 2000, sản lượng nông nghiệp tăng trung bình 5,9%/năm, trong khi giai đoạn 2000 - 2008 tăng trưởng còn 4,2%/năm và giai đoạn 2011 - 2020 chỉ còn 2,83%.

Phát triển đô thị và công nghiệp đang được thúc đẩy đi trước sự phát triển của nông thôn. Để có được sự phát triển bền vững về lâu dài, cả hai khu vực đều phải cùng phát triển nhanh. Tăng trưởng nông nghiệp cần phải được duy trì mạnh mẽ để việc phân bố lao động giữa các khu vực đi theo hướng tự nguyện chứ không phải do bị ép buộc vì đói nghèo và khốn cùng.

Cần cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công nhằm cân đối đầu tư công khu vực đô thị và nông thôn. Không ai muốn và có lẽ cũng chẳng ai có thể chối bỏ quê hương, song nếu mức sống và tiện nghi sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn quá khác xa nhau thì nước ta sẽ tiếp tục còn chứng kiến những cuộc di dân lớn hơn nữa hướng ra phố thị. Điều này tạo sức ép cho đô thị và cũng thách thức, đe dọa sự phát triển của nông thôn.

Yến Hưng (lược ghi)

Quốc Huy và nhóm PV, BTV