Đào tiền ảo yêu cầu năng lực điện toán khổng lồ và tiêu tốn nhiều năng lượng. Các khu vực như Nội Bông, Tứ Xuyên, Tân Cương thu hút giới đào tiền ảo do giá điện thấp. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết dừng tăng khí thải carbon trước năm 2030 và đạt carbon trung tính vào năm 2060.
Tuy nhiên, trong 30 khu vực nằm trong báo cáo cường độ năng lượng và tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, Nội Mông là nơi duy nhất không đạt mục tiêu năm 2019 và bị trung ương phê bình hồi tháng 9/2020. Tuần trước, tỉnh công bố kế hoạch dừng hoạt động đào tiền ảo để tiết kiệm năng lượng và trưng cầu ý kiến công chúng đến hết ngày 3/3.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đây chỉ là hành động mang tính thủ tục trước khi có thông báo chính thức và nhiều khả năng sẽ được áp dụng, xét tới cam kết chống ô nhiễm và giảm khí thải carbon của cả nước. Nỗ lực chặn đứng các ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng chắc chắn đổ gáo nước lạnh vào đam mê ngày càng lớn của giới đào Bitcoin. So với một năm trước, giá Bitcoin đã tăng từ hơn 8.500 USD lên hơn 47.000 USD.
Trung Quốc cấm giao dịch tiền ảo từ năm 2019 do lo ngại rủi ro đến thị trường tài chính, song vẫn cho phép đào tiền ảo.
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc vẫn chưa công bố mục tiêu tiết kiệm năng lượng mới cho giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, dự thảo của Ủy ban khu vực đề xuất giảm 3% cường độ năng lượng trong năm 2021 so với năm 2020, giới hạn tăng trưởng tiêu thụ năng lượng ở mức 1,9% cho Nội Mông. Các doanh nghiệp nhỏ dùng công nghệ lỗi thời trong ngành sắt, thép, than cốc, nhiệt điện than cũng phải đóng cửa trước cuối năm 2022. Ngoài ra, khu vực còn kiểm soát quy mô của các trung tâm dữ liệu.
Nội Mông thề tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong danh mục năng lượng của tỉnh, với mục tiêu đạt công suất hơn 100 gigawatt vào năm 2025.
Du Lam (Theo SCMP)
Sau MacBook, đến lượt PS5 bị bẻ khóa thành máy đào coin
Điều đáng nói, hiệu suất khai thác coin trên PS5 của Sony được cho là vượt xa các card đồ họa cao cấp.