Vợ chồng tôi cùng quê Bắc Giang, cưới nhau đầu năm 2009. Chúng tôi đều làm công chức ở Hà Nội. 10 năm trước, vợ chồng tôi đã sai lầm, đến giờ vẫn ân hận khi quyết định mua đất xen kẹt. Bởi, chúng tôi không thể xây nhà trên đất đó, rao bán nhiều nơi cũng chẳng ai thèm ngó tới vì giấy tờ pháp lý không đủ điều kiện để chuyển đổi thành đất ở cũng như để xây nhà kiên cố.

Thời điểm mua mảnh đất này tôi mới 29 tuổi, kể ra tuổi đó còn rất trẻ, có nhiều điểm suy nghĩ chưa chín chắn. Cứ nghĩ, vừa lấy vợ vừa sinh con đầu lòng tôi phải lo cho tương lai của gia đình, cố gắng kiếm cho mình một mảnh đất sau này còn xây nhà lên để ở lâu dài, thay vì phải đi thuê nhà.

Hồi đó, thu nhập của vợ chồng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, chi trả tiền thuê nhà, ngoài ra cũng chỉ tích góp được một chút. Song nghĩ đến tương lai của vợ chồng và cậu nhóc mới sinh, chúng tôi quyết tìm đất để mua, nếu thiếu sẽ đi vay.

{keywords}

Tuy vậy, vợ chồng tôi cố gắng lắm cũng chỉ xoay sở vay nóng của bạn bè và hai bên nội - ngoại được hơn 500 triệu đồng, chưa mua nổi nửa căn hộ phân khúc thấp ở Linh Đàm hay Hà Đông. Chúng tôi cũng đã nghĩ vay thêm ngân hàng để mua nhà chung cư, nhưng thời điểm đó, chính sách tín dụng không ưu đãi nhiều cho việc vay mua nhà nên chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội tiếp cận.

Cuối cùng chúng tôi quyết tìm đất nền ven đô để mua. Tuy nhiên, ngay cả đất ven đô cách đây 10 năm, số tiền 500 triệu cũng không đủ để mua nổi 30m2 đất có sổ đỏ ở ngoại thành Hà Nội. Tôi được một người bạn cùng quê Bắc Giang rủ tìm mua đất kẹt ở khu Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Nam Từ Liêm), hy vọng sau này có thể chuyển đổi sang đất ở.

Thời điểm năm 2009, do cách Bưu điện Hà Đông khoảng 1,5 km, gần trung tâm quận nên đất Đại Mỗ bị thổi giá lên rất cao, đất thổ cư lâu năm dao động từ 28-32 triệu đồng/m2. Với giá cao như vậy, chúng tôi không thể đủ tiền nên chỉ nhăm nhe tìm đất kẹt để mua.

Ngày đó, tôi và bạn tôi hiểu đất kẹt chỉ là đất xen kẹt với khu dân cư. Tất nhiên, chúng tôi cũng hiểu đất dạng này không thể sánh với đất thổ cư lâu năm, đã có sổ đỏ, nên giá chỉ dao động từ 5-7 triệu đồng/m2. Khi tìm hiểu thêm, tôi biết rằng cùng gọi là đất xen kẹt, nhưng giấy tờ pháp lý thì khác nhau, như đất ao (đất sau khi ao được san lấp), đất nông nghiệp, đất 5%,... mà cò đất gọi chung là đất kẹt.

Cuối cùng, chúng tôi tìm được cho mình mỗi người một mảnh khá ưng ý, vị trí đẹp song lại không tính đến giấy tờ pháp lý thuộc dạng đất gì. Đất của bạn tôi thuộc diện đất ao, còn tôi thuộc diện đất nông nghiệp, tất cả đều mua bán qua giấy tờ viết tay giữa tôi và chủ thửa đất. Tôi mua được 80m2 thuộc một sào đất nông nghiệp được cắt ra bán với giá 6 triệu đồng/m2, tổng cộng tôi phải bỏ ra 480 triệu. Còn bạn tôi mua một mảnh 90m2, là một phần của cái ao được san lấp có giá 7 triệu đồng, hết 630 triệu đồng. 

Cùng một thời điểm mua nhưng anh bạn tôi may mắn hơn rất nhiều khi 2 năm sau đó, đất của anh được phép xây nhà cấp 4 và anh chuyển cả gia đình về đó ở tạm. Chưa kể, 5 năm tiếp theo, anh lại được phép làm sổ đỏ cho mảnh đất đó mà chỉ phải bỏ thêm 200 triệu tiền thuế chuyển đổi sang đất thổ cư.

Nhận được sổ đỏ, thời gian ngắn sau do nhu cầu muốn thay đổi chỗ ở, vợ chồng anh ấy đã bán mảnh đất đó được 2,8 tỷ đồng, tính ra lời gần 2 tỷ. Sau đó, anh bạn tôi dùng số tiền này mua một căn hộ chung cư ở Hà Đông giá 1,9 tỷ đồng. Hiện, anh ấy vừa có nhà ở đàng hoàng lại còn dư một khoản tiền khá lớn gửi tiết kiệm

Trong khi đó, mảnh đất của tôi vẫn vậy, tôi bị đọng vốn gần 500 triệu đồng suốt 10 năm qua. Có thời điểm, tôi chấp nhận bán thấp hơn giá mua ban đầu song chẳng ai thèm nhòm ngó, vì đất của tôi thuộc diện đất nông nghiệp, nhà nước cấm mua bán. Đất này cũng rất khó chuyển đổi thành đất ở, trừ khi nhà nước có kế hoạch mở rộng khu dân cư.

Đến giờ, vợ chồng tôi chỉ dám mong chờ điều may mắn tốt đẹp sẽ đến giống như anh bạn tôi, khi đó mới có thể cứu vãn được cảnh ôm nợ 10 năm để mua đất xen kẹt.

Đức Minh (Bắc Giang)