Nhiều người đã “dính bẫy” khi mua quần áo, vật dụng online trên các trang web, trang bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Khi thanh toán, người mua nhận ra hàng được giao khác xa quảng cáo trong khi người bán phủi trách nhiệm, không cho trả sản phẩm.

Tiền mất, tật mang

Anh Nguyễn Quốc Tuấn (Thanh Hoá) cho biết, sau khi xem quảng cáo giới thiệu sản phẩm rất chất lượng, anh quyết định đặt mua một chiếc áo trên trang web Lazada.vn với giá 600.000 đồng. Nhưng khi hàng chuyển đến, anh Tuấn ngã ngửa bởi chất liệu khác xa quảng cáo. Chất liệu áo trong quảng cáo mềm mịn nhưng áo thật mềm nhũn.

“Nhiều người bạn của tôi đã cảnh báo không nên mua hàng trên mạng nên tôi cũng tìm hiểu và cuối cùng chọn trang web có uy tín như Lazada.vn nhưng cuối cùng vẫn tiền mất tật mang. Gọi điện phản hồi, đơn vị bán hàng không cho trả lại hàng và bảo chỉ có thể đổi sang sản phẩm khác. Tôi đành chịu mất tiền để nhận lấy chiếc áo không vừa ý”, anh Tuấn phàn nàn.

{keywords}

Bán hàng online nở rộ, nhiều người bị lừa

Trong vai một khách hàng đặt mua sản phẩm của trang Facebook Soraka.vn, PV được nhân viên gọi điện tư vấn chiều cao, cân nặng để chọn cỡ váy. Nhân viên này cam kết: “Hàng giống 100% trên ảnh. Toàn bộ sản phẩm đều nhập khẩu, chất liệu như hình ảnh quảng cáo. Khách hàng có thể đổi trả sản phẩm nếu không ưng ý”.

Sau khi đặt mua một chiếc váy màu đen như trong hình với giá 565.000 đồng, lúc nhận hàng, chất liệu khác xa quảng cáo. Gọi điện yêu cầu trả lại hàng vì chất liệu không giống cam kết, chúng tôi nhận được câu trả lời: Không nhận lại sản phẩm, chỉ cho đổi sang sản phẩm khác.

Mắt thấy tai nghe quảng cáo về “công dụng tuyệt vời” của sản phẩm sau khi xem các clip quảng cáo trên truyền hình, anh Dương Đức Mười (Bắc Ninh) quyết định đặt mua một máy tập bụng hiệu NT Star với giá gần 3 triệu đồng. Theo quảng cáo, chiếc máy này thiết kế như một chiếc ghế, giúp người tập thực hiện các bài tập co gấp người với nhiều mức độ, từ đó giảm mỡ bụng. Nhưng khi sản phẩm được chuyển đến, anh Mười chỉ tập được gần 1 tuần thì phần trụ, ốc vít của ghế ọp ẹp dần. Trong lúc đang tập, bỗng ốc vít tại thân ghế rơi ra, anh Mười ngã, đập đầu xuống đất và phải đi bệnh viện kiểm tra.

“Chiếc ghế bất ngờ đổ sập khiến tôi ngã úp xuống sàn, thâm tím người. Cũng may, lần đó tôi tập ở mức độ nhẹ nên không bị chấn thương. Gọi điện đến đường dây nóng chăm sóc khách hàng, họ hứa đến kiểm tra sản phẩm rồi cứ hẹn tới hẹn lui mãi. Cuối cùng họ không cho đổi máy khác và đổ cho tôi đã sử dụng không đúng cách”, anh Mười cho biết.

Cũng trả giá vì tin lời quảng cáo trên kênh truyền hình như anh Mười, anh Nguyễn Việt Chiến (Thanh Hoá) đặt mua sản phẩm lược nhuộm tóc thông minh Bubble stick. Theo quảng cáo, chỉ cần chải lên đầu, chiếc lược được sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ Hàn Quốc có chứa sẵn thuốc nhuộm sẽ giúp tóc bạc đen trở lại nhanh chóng, không tốn thời gian. Nhưng sau khi sử dụng lược đến ngày thứ 2, anh Chiến thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Nghi ngờ nguyên nhân do thuốc nhuộm trong lược, anh đến bệnh viện kiểm tra.

Cẩn trọng đặt hàng nhập khẩu, nhận đồ may gia công

Theo tiết lộ của một chủ tài khoản bán hàng online trên Facebook, để bán được hàng, thu hút được người quan tâm, nhiều chủ tài khoản Facebook thường lấy hình ảnh quảng cáo các sản phẩm mẫu thiết kế của nước ngoài hoặc web của thương hiệu nổi tiếng sau đó, họ đặt may gia công tại các nhà may gần khu Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Khi đã thanh toán và nhận hàng, người mua mới phát hiện hàng thực tế không hề “long lanh” như quảng cáo trên mạng.

Trong vai khách đi đặt các sản phẩm theo hình mẫu trên mạng để kinh doanh online, PV được chủ một cửa hàng may trên đường vào chợ Ninh Hiệp khẳng định chắc nịch: “Chỉ cần có mẫu, tôi có thể may giống hình ảnh nhưng chất lượng không được như hình. Muốn may số lượng bao nhiêu chiếc cũng có”. Vừa tư vấn, vị chủ cửa hàng này chỉ cho chúng tôi thấy những lô váy đã cắt chờ may với hàng trăm cái và hàng trăm mẫu váy đã may xong, chờ khách hàng đến nhận để đưa về bán trên mạng.

Về tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” khi mua hàng, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục đã ghi nhận 270 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và 112 vụ việc khiếu nại bằng văn bản. Ngành hàng được yêu cầu giải quyết khiếu nại nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (52 trường hợp).

Kế tiếp là nhóm đồ điện tử gia dụng (43 trường hợp) và nhóm điện thoại, viễn thông (38 trường hợp). Theo thống kê, Hà Nội và TPHCM có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 70 và 75 vụ việc). Các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều khác là Đồng Nai và Nghệ An.

“Trong số các vụ việc được ghi nhận, có những vụ việc nghiêm trọng như vụ việc quảng cáo sai sự thật thông qua hình thức trúng phiếu mua hàng qua điện thoại của công ty Cát Hưng Thịnh, vụ việc Công ty Asiabooking đã nhận tiền đặt phòng nhưng người tiêu dùng vẫn phải đóng tiền cho khách sạn.

Đặc biệt là các vụ việc liên quan đến Công ty Recess (Lazada.vn) với 11 trường hợp khiếu nại....”, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết và đề nghị người tiêu dùng khi gặp những trường hợp “lừa đảo”, bán hàng không đúng chất lượng như quảng cáo có thể phản ánh đến Cục để phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

(Theo Tiền phong)