Trong thời điểm hiện tại các quán game lớn mở ra hàng loạt và các quán Net nhỏ cũng lan nhanh không kém, do đó tính cạnh tranh của loại hình kinh doanh này cũng trở nên vô cùng căng thẳng. Thực tế đây là phương pháp cạnh tranh kiểu "dìm" giá rất phổ biến giữa các quán Net ở gần nhau và có mật độ dày đặc. Những cửa hàng không chấp nhận giảm giá hoặc không thể chịu nổi mức giá cực thấp sẽ chịu cảnh vắng vẻ để rồi nhanh chóng phải đóng cửa. Sau một khoảng thời gian thì các cơ sở còn trụ lại được sẽ có lượng khách dồi dào hơn do sức cạnh tranh đã giảm.

Theo chia sẻ của chủ quán Net phá giá cực sốc này, anh còn định giảm tiếp xuống còn khoảng 1000 đồng một tiếng để tăng tính thanh lọc, thu hút được lượng khách quen nhất định trong kỳ nghỉ: "Quán mình hiện nay mới được 53 máy thôi, mấy bữa nữa lên thêm cho đủ 70 máy rồi chơi 1k/h cho tới bến luôn". Giống như rất nhiều người đã từng phân tích ngay trong bài post của chủ quán game nọ, đây là một ý tưởng không mới lạ, nhưng lại có hiệu quả rất cao.

Trong những ngày hè oi bức, khi nhiều quán game ngày một mọc lên như nấm, cạnh tranh nhau một cách dữ dội trong thời gian qua, thì không ít những người quản lý phòng máy chơi game cũng phải đau đầu tìm cách "gỡ gạc" một phần thu nhập trong mùa "ế ẩm", nếu như không muốn phải đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ. Chúng ta đã từng được chứng kiến không ít những mưu mẹo cạnh tranh một cách "không thể tin nổi", ví như... cài tool hack Liên Minh Huyền Thoại, thậm chí tặng cả nước uống cho game thủ đến chơi game tại quán. Chính vì thế việc giảm giá giờ chơi game đến mức "phá giá" dường như cũng không mấy lạ lùng.

Tuy nhiên nếu phân tích một cách cụ thể, thì như rất nhiều ông chủ phòng máy chơi game khác đã chỉ ra, cách này không khác gì tự sát. Nếu như chủ quán game nêu trên đưa ra ý kiến, từ nay đến tháng 09, nghĩa là gần 2 tháng nữa, với tốc độ giảm giá như vậy để hút khách, chắc chắn rằng ông chủ nọ sẽ phải chịu khoản lỗ nặng nề, thậm chí đủ sức đóng cửa phòng máy chơi game.

Phương thức cạnh tranh này được nhiều chủ quán khác cho là không trong sạch cho lắm và cũng không mấy hiệu quả, chỉ thu hút được lượng khách hàng lớn đổ về trong thời gian ngắn, đến khi hết khuyến mãi phá giá là lại vắng, vừa thiệt mình vừa thiệt người, chẳng được lợi lộc gì. Thay vào đó thì hãy nâng cấp chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng sẽ có kết quả lâu dài hơn:

"Đâu phải cứ hạ giá là bọn nó thích? Bác thật ấu trĩ. Như quán mình 4-5k/h khách vẫn vào chơi ầm ầm, mấy quán cạnh tranh xuống 2k/h vẫn chả có mà nào luôn! Góp ý bác tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng ghế bàn sao cho bắt mắt và thật xịn, chơi mượt khi gamer vào, hoặc bác nghiên cứu tìm chuyển địa điểm khác còn hơn".

Cách này không chỉ làm hại cho chính bản thân mình, mà nó còn gây ảnh hưởng tới chính những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của quán net nọ. Một mưu kế "ngọc đá cùng tan" không hề tỉnh táo và khôn ngoan một chút nào. Ban đầu khách sẽ đến chơi đông, vì chỉ cần bỏ ra 20 nghìn Đồng là có thể ngồi thỏa thuê cả chục tiếng đồng hồ, nhưng về lâu dài, với những chi phí tiền điện, tiền thuê mặt bằng, kẻ chịu thiệt không ai khác chính là ông chủ quán game nọ.

Dù sao công việc kinh doanh là phải có cạnh tranh và ai cũng muốn thành công, cho dù làm theo cách nào thì các chủ quán Net cũng nên cân nhắc lợi hại để mình có lợi và cũng không nên chèn ép người khác thái quá, tránh trường hợp "chơi cùn" để tất cả cùng thua lỗ...

Trong khi đó, đã có một lần, một chủ quán Net Việt đã đăng tải thông tin về mức giá quán Net tại Trung Quốc rơi vào khoảng 17.000 VNĐ/tiếng, cao hơn rất nhiều so với mức giá Net trung bình tại Việt Nam. Điều đáng chú ý rằng mặc dù cấu hình máy tại Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn Việt Nam, nhưng giá tiền giờ lại khá cao.

Theo tìm hiểu, mức giá tiêu dùng tại Trung Quốc thường cao gấp khoảng 1,5 lần so với Việt Nam. Như vậy, trong khi giá tiền tại các quán Net ở tỉnh của Việt Nam chỉ khoảng 3-4.000 VNĐ/tiếng, thì mức giá này ở Trung Quốc là 17.000 VNĐ/tiếng, cao hơn gấp khoảng 3 lần. Vấn đề được chủ quán Net đưa ra ở đây rằng mức độ cạnh tranh của nhiều quán Net tại Việt Nam là khá cao, dẫn đến việc một số chủ quán Net cũng phá giá, có khi khuyến mãi xuống còn 1-2.000 VNĐ/tiếng. Khiến cho nhiều quán Net khác cũng không dám tăng giá để thu hút khách.

Và rồi bỗng chốc một ý nghĩ vụt qua chúng tôi: Phải chăng anh em game thủ đất Việt đang chưa biết trân trọng những người đang chịu khổ đủ đường để chiều lòng những "vị thượng đế" càng ngày càng khó tính. Không phải tự nhiên mà cuộc đua phá giá của những quán net cỏ diễn ra, khiến bao nhiêu người phải lao đao, thậm chí bỏ nghề.

Net cỏ, nói đi nói lại, vẫn luôn luôn có một lợi thế cực kỳ khủng khiếp so với những cyber game cao cấp tại các vùng thành phố lớn: Mức giá. Đừng bao giờ mong cạnh tranh giá cả với những người làm phòng net bình dân. Chỉ với 2.000 hoặc cùng lắm là 3.000 Đồng, chúng ta đã có thể ngồi 1 tiếng đồng hồ chơi game thả ga. Còn đối với các cyber cao cấp, số tiền bỏ ra không bao giờ có chuyện dưới 5.000 Đồng, phụ thuộc vào cấu hình và "đồ chơi" của phòng máy cao cấp.

Nhưng với lợi thế quá lớn như vậy, mà cuộc đua cạnh tranh về giá vẫn cứ diễn ra. Đó chính là hệ quả một cách gián tiếp của việc game thủ Việt vẫn chưa biết so sánh chất lượng dịch vụ và mức giá họ phải bỏ ra để được sử dụng dịch vụ đó. Nói một cách khác, chúng ta chưa biết trân trọng những gì người kinh doanh phòng máy chơi game.

Chẳng chóng thì chầy cuộc cạnh tranh về giá sẽ diễn ra, và thay vì giúp đỡ lẫn nhau, chính bản thân người Việt chúng ta sẽ triệt hạ nhau theo những cách xấu xí và khó coi nhất. Cho tới nay, phong trào khô máu giảm giá này đã bộc lộ rõ ràng sự... ngớ ngẩn tự hại mình hại người đói với những chủ quán net áp dụng. Theo đó, vào thời điểm đầu áp dụng thì lượng khách hàng tăng rõ rệt song lợi nhuận chẳng tăng được là bao. Cho đến khi các quán khác giảm giá cùng thì game thủ lại chuyển về chỗ cũ.

Theo GameK