Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Mùa nước son giờ còn đâu của tác giả Hồ Văn Nhịnh.

Sáng nay, tôi ra bến đò ngang kinh Nguyễn Văn Tiếp ngắm sông Mỹ Đông sóng sánh ánh hồng từ mặt trời mới nhú lên rặng cây nơi phía mênh mông. Khúc sông quê mình lung linh muôn màu sức sống. Một nhành bông điên điển nghiêng nghiêng, tỏa mùi hương đủ quyến rũ bầy ong, cánh bướm tranh nhau hút mật. 

Sắc bông điên điển vàng tinh tươm, có nét dịu dàng thanh thoát, bình dị một góc chân quê. Có người gọi chúng là hoa nắng, hoa của hương đồng gió nội. Màu hoa nắng rọi xuống dòng nước hiền hòa buổi bình minh rực cháy với chút điệu đàng sang chảnh, tô điểm cho cảnh vật trời đất Mỹ Đông bừng lên duyên dáng đến lạ thường.

Khúc sông son. Mùa nước đổ. Tôi nhớ đến ông bạn vong niên đồng hương xa xứ về đây lập nghiệp, bám rễ, yêu cô gái đất Tháp Mười rồi sinh con đẻ cái. Sau nhà anh Tư Lạc có cái ao cá bự chà bá. Mấy anh em nhậu thiếu mồi, nháy mắt. Ảnh liếc qua chị Tư thấy gương mặt đăm đăm, nên quay sang bạn bè chí cốt nói: "Thôi tụi bây ơi, chờ đến mùa nước son đi. Bây muốn ăn cá gì tao bắt cho ăn".

FB_IMG_1715395787216.jpg
Rất nhiều khúc sông son như quê tôi vẫn lung linh, điệu đàng mà trường tồn theo năm tháng. Ảnh: Hồ Văn Nhịnh

Mùa nước son dòng chảy có màu đo đỏ, do nước từ thượng nguồn cuốn các lớp đất ở núi đồi, phù sa từ đất bazan, đất cát lẫn đất thịt hoà quyện vào nhau như màu máu, cuồn cuộn tuôn ra biển rộng sông quê. Mùa nước đổ cũng là mùa cá tôm sinh sôi phát triển. Có một số loài thủy sản không chịu nổi nghịch cảnh thiên nhiên nước đổ nên sống dật dờ, có con bị nổ mắt, gãy vây, tróc vảy nên khai thác một cách dễ dàng.

Mùa nước đỏ bây giờ có còn đâu. Khi mà dòng chảy trên cao ngăn năm, xẻ bảy. Dân miền Tây khát lũ, nghèo phù sa, cồn lở, sông bồi chết dần theo năm tháng. Nước sông quê có mùi mặn mặn của biển xâm và giọt mồ hôi của người nông dân trầm tích qua mấy trăm năm khai phá miệt đất Tháp Mười.

Tư Lạc - ông bạn vong niên đồng hương xa xứ cũng có còn đâu. Trong một lần chuẩn bị xuống vụ, lão đương xách hai bao giống lên phơi thì ngã quỵ. Chụp MRI não thấy chi chít những dòng máu vỡ. Như những khúc sông son ở ngã tư, ngã năm, ngã bảy trên vùng đất phương Nam. Lão Tư đi nhanh quá khiến đám ruộng, bờ đê, khúc sông quê ngơ ngác. Chiều chiều vắng tiếng ai ca, khuya khuya thèm mái dầm khuấy nước bắt cá, chở lúa về nhà. Lão Tư thường tâm sự: "Mình xa quê, ở rể nên sống sao. Đừng làm rể điên điển ạ".

Nhưng có lần chống xuồng theo Tư Lạc ra đồng hái bông điên điển về nấu canh chua. Lão nói:

- Năm nay nước nhiều. Còn lên nữa nhe thầy!

- Sao anh biết hay vậy?

- Dựa vào rễ cây điên điển. Quan sát thấy mấy phao xung quanh nổi trên nước bám vào gốc còn tươi, mấy sợi non trắng hồng, phiêu phiêu trong lớp đất sình bùn dưới đáy nước sâu cho thấy cây điên điển còn phát triển. Tức là mùa nước nổi còn nổi cao nữa thầy ạ. Và ngược lại.

Nói vậy. Rễ điên điển đâu chỉ là thứ tạm bợ, không có giá trị. Để đến nỗi phải đi vào điển tích: "Đồ cái thứ rể điên điển". Nó cũng dự cảm, khát vọng hướng về tương lai. Chẳng bù có nhiều người sống vật vờ, mất lửa, không mơ ước, hoài bão.

Khúc sông son quê tôi là một phần của dòng kinh Nguyễn Văn Tiếp đi vào huyền thoại, dòng sông chiếc lược, lâu đời nhất ở vùng Đồng Tháp Mười. Nó được nghĩa quân Tây Sơn đào vào khoảng thế kỷ 18. Lúc đầu nó nhằm phục vụ chiến tranh, thuận lợi cho những cuộc hành quân. Nhưng với sự ra đời của con kinh còn giúp cho nhiều lớp người di dân khám phá, khai hoang vùng đất mới.

Trong ký ức của cha ông tôi về vùng đất này, khi cả gia đình từ Bình Định “đi vong” vào Nam lập nghiệp, không trụ nổi phải trôi dạt nhiều phương, nhưng rồi cuối cùng cũng phải trở lại bến sông quê tràn đầy bao kỉ niệm. Hồi ấy, khi ngủ trên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp, ta phải lấy nhiều khúc cây to để tấn mùng. Muỗi thì ai cũng đã từng biết. Còn tụi rắn rết nghe hơi người thì bu lại, nằm lổn ngổn cạnh vách mùng. Muốn đi ngoài thì đốt đèn mù u lên, quơ qua quơ lại nhiều lần. Chúng thấy lửa, ánh sáng thì sợ mà tản ra. 

Tới mùa cắt lúa vui lắm. Dân ở Bến Tre và nhiều nơi khác tụ hội về đây. Họ che tạm mái lều ở hai bờ sông. Chiều xuống, người người đi làm đồng về dập dìu, rộn ràng như ngày tết. Anh Hai tôi phải lòng một cô gái ở Bến Tre. Anh chèo xuồng sang bờ bên kia khi lúc trời đã tối mịt. Tới bến, anh giả bộ say rượu, đứng gục lên cột chèo, để làm nũng với người yêu. Báo hại, vì mệt nên ngủ quên thiệt. Đến khi xuồng va mạnh vào doi đất, đầu đập vô mạn xuồng chảy máu ướt nhèm mới giật mình tỉnh giấc, thấy mình như đang ở một phương trời vô định, xa xăm,

Dòng sông này còn là chứng nhân của bao trận chiến, những cuộc di dân đến rồi đi và quay trở lại, vì sự khắc nghiệt của vùng đất, vì bom rơi, lửa đạn... Trong đợt nạo vét kinh Nguyễn Văn Tiếp vừa qua, công trình phải dừng thi công nhiều lần. Bởi nhiều đoạn sông vẫn còn đó: Đạn bom chìm nổi bảy ba tầng. Dọc dòng sông, có nhiều làng, nhiều xóm, mỗi năm đều tổ chức đám giỗ “gom”. Những chiếc ghe chài, tắc ráng gom dân đi tản cư vướng phải thủy lôi nổ tung, không còn một mạng người. Máu xương, miểng đạn bom hòa vào dòng chảy con nước, rồi vùi chìm mãi dước đáy sông sâu.

Trong văn chương, nghệ thuật, người ta ví dòng sông cũng chính là dòng đời. Còn dòng sông trước mắt tôi không chỉ chứa đựng cả một quá trình lịch sử khai hoang, mở cõi của cha ông, mà còn mang dáng dấp như con người. Nó cũng đang thao thức, trăn trở mang đầy tâm trạng. Khi mà hiện tại có một sự dịch chuyển từ thực tiễn đáng suy ngẫm: Người ta đang bỏ sông, ôm đường; sống với sông nhưng chưa hiểu gì về nó; mang ơn sông nhưng lại bức tử dòng sông… 

Thật mừng, kinh Nguyễn Văn Tiếp được nạo vét rộng hơn 50m, sâu khoảng trên 15m, kết hợp với việc đưa âu tàu Rạch Chanh vào khai thác, ngoài việc cung cấp, dự trữ nguồn nước ngọt, vận chuyển lưu thông hàng hóa, ngăn mặn… còn tạo mặt bằng, xây cầu đường dọc hai bên bờ, kéo con người trở lại với dòng sông. Như cái thuở ban đầu con người và dòng sông hòa hợp, gắn bó, yêu thương nhau.

Mặt sông long lanh nhuộm tràn một màu đỏ thắm tươi. Dòng nước dường như chững lại, chùng chình trôi. Nó đang quyến luyến, vấn vương một ai đó. Bất chợt, trong tôi bỗng trỗi lên một khúc nhạc vừa trầm hùng, vừa lạc quan và tự hào về dòng sông, vùng đất và con người nơi đây. Dẫu thực tại lũ đã chìm biển đang chiếm. Những mùa nước đỏ không còn. Nhưng rất nhiều khúc sông son như quê tôi vẫn lung linh, điệu đàng mà trường tồn theo năm tháng.

Quan trọng là ta có đủ tâm tình, sự lắng đọng để nhìn ra vẻ đẹp bình dị mà thăng trầm, chứa đầy những cung bậc cảm xúc của những dòng sông trên quê hương mình.

Hồ Văn Nhịnh

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg