Sau các trận mưa lớn, Hà Nội đều rơi vào tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Áp lực đô thị với bài toán giải vấn nạn ngập úng không phải đơn giản.

Mưa to nước dâng như sông

Cứ mưa to là ngập đã trở thành câu cửa miệng với nhiều thế hệ người dân Thủ đô. Những trận mưa lớn kéo dà khiến nhiều cung đường ở Thủ đô Hà Nội ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường mới như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng,... nước còn dâng tràn như sông khiến ôtô, xe máy qua lại hết sức khó khăn, gây ức chế lớn cho người dân. Thậm chí, nhiều điểm ở các trục đường trên, nước dâng tới cả yên xe. Xe đang lưu thông trên phố bị chết máy hàng loạt.

Sau mỗi trận mưa, hình ảnh quen thuộc mà người đi đường bắt gặp là tại mỗi cống thoát nước, vài ba nhân viên của Công ty Thoát nước Hà Nội đang tìm mọi cách để cho dòng nước sớm rút đi một cách nhanh nhất.

{keywords}
Nhiều điểm ngập tại Hà Nội khi trời mưa to

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, năm nay số điểm ngập nặng tăng từ 16 lên 18 điểm so với năm trước do xuất hiện điểm mới tại địa bàn quận Hà Đông. Với những trận mưa có lưu lượng đến 50 mm/2 giờ, hệ thống thoát nước Hà Nội cơ bản đáp ứng được. Tuy nhiên, với mưa từ 50mm đến 100 mm/2 giờ, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện 18 điểm ngập úng nặng.

Đặc biệt, với những trận mưa trên 100 mm/2 giờ hoặc trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn dưới 40 phút, hệ thống thoát nước thành phố sẽ quá tải và phát sinh thêm nhiều điểm ngập úng mới.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong mùa mưa bão năm 2017, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa theo vùng và trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hàng năm, trong đó các tháng cao điểm có xu hướng tăng dần, từ 5% đến 10%. 

Mưa cực lớn tại Hà Nội thời điểm 2008 đã để lại cho người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung những ấn tượng có thể nói là đáng sợ. Tại trung tâm thành phố Hà Nội, lượng mưa cũng xấp xỉ kỷ lục năm 1984.

Trong khi những bất cập về hạ tầng chưa kịp được xử lý thì mật độ người càng ngày càng đông, bê tông hóa càng ngày càng mạnh. Do đó, tình trạng ngập úng được dự báo sẽ rất nan giải.

Xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt

Để giải quyết bài toán ngập nước cho TP. Hà Nội cũng như các đô thị lớn, cần bao gồm tổng hòa nhiều giải pháp đồng bộ liên quan đến hệ thống thủy lợi, điều chỉnh quy hoạch hạ tầng...

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, chuyên gia xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ngập úng xảy ra tại nhiều khu đô thị mới là do các chủ đầu tư, nhà quản lý đô thị không tuân thủ nguyên tắc chuẩn cốt nền chung. Các dự án, khu đô thị mới cứ đua nhau mọc lên trong khi mỗi nơi lại áp dụng một kiểu cốt nền nơi cao nơi thấp, gây khó khăn trong tiêu thoát nước.

“Hà Nội thiếu quy hoạch cốt xây dựng thống nhất trên toàn thành phố, phát triển đô thị tuỳ tiện. Trong khi hệ thống sông hồ lại bị san lấp khá nhiều. Vì thế, những nơi chưa có kết nối hệ thống thoát nước như phía Tây, Hà Đông thì sẽ còn ngập úng nhiều”, vị chuyên gia này phân tích.

{keywords}
Kinh nghiệm chống ngập từ chuyên gia quốc tế

Tiến sĩ Lothar Fuchs, Viện trưởng Viện Kỹ thuật khoa học Thủy văn (Itwh) tại Đức đánh giá, công tác dự báo, phân tích đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế ngập tại các đô thị. 

Tại Đức, nhờ phần mềm quản lý dữ liệu, tính toán mô phỏng mạng lưới thoát nước cho phép thiết kế, phân tích và đánh giá mạng lưới thoát nước. Các dữ liệu được thực hiện thông qua các lớp khác nhau và thể hiện trong mô hình. Nhờ các phần mềm này, nhà quản lý có thể dự báo cũng như tính toán được vị trí và mức độ ngập lụt ứng với từng cơn mưa, qua đó giúp đưa ra các công tác phòng chống ngập và các biện pháp xử lý khi mưa lớn xảy ra. Đây là công nghệ tiên tiến có thể áp dụng tại các đô thị như Hà Nội.

“Công tác nghiên cứu, đánh giá thoát nước đô thị cần được coi trọng ngay từ khi quy hoạch và sau khi triển khai dự án. Các đô thị lớn, công ty thoát nước và các dự án bất động sản, khu công nghiệp, nhà máy cần quan tâm tới điều này. Nhờ có công tác dự báo sẽ giảm tối thiểu những rủi ro khi đô thị ngập lụt”, ông cho biết thêm.

Viện Itwh cũng bước đầu có các hoạt động nghiên cứu và tư vấn cho các đô thị trong việc thoát nước ở Hà Nội.

Năm 2009-2011, thông qua dự án IWAS, Viện Itwh đã xây dựng giải pháp thoát nước bền vững dự trên cơ sử bản quy hoạch hiện trạng của quận Long Biên và đưa ra những hình thái xây dựng giải pháp nói trên vào vòng tuần hoàn nước của địa phương.  

Thực tế, công nghệ thoát nước trên đã được áp dụng tại nhiều thành phố trên thế giới. Đơn cử như Duesseldorf, thành phố này đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của lũ lụt khi có mưa lớn xảy ra, đưa ra các chính sách xây dựng cho các khu đất còn trống. Dựa trên những dữ liệu cơ bản của địa hình, vùng và khả năng ngập lụt khi có mưa lớn được tính toán mô phỏng trên phần mềm, các bản đồ cảnh báo nguy hiểm sẽ được xây dựng. Từ đó, nhà quản lý đưa ra chính sách phòng chống lũ lụt một cách hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi mưa lớn.

Nam Hải