Mỗi kilogam mực đông lạnh được tuồn vào Việt Nam giá chỉ từ 10.000 - 30.000 đồng. Mức giá này đang khiến ngư dân trong nước đi đánh bắt xa bờ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh giá cả.

Tại thị trường Hà Nội, sau khi ngâm, tẩy trắng bằng ôxy già và muối, mực đông lạnh được bán ra với giá chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Phóng viên điều tra đã vào cuộc để truy tìm nguồn gốc của mực giá bèo.

Lấy bao nhiêu cũng có

Được nhiều tiểu thương chuyên kinh doanh hải sản tại chợ đầu mối Long Biên giới thiệu nhưng khi gặp tôi, Phúc - một đầu nậu cung cấp mực giá rẻ có tiếng tại Hà Nội - vẫn rất cẩn thận: “Mày làm món này lâu chưa? Ai giới thiệu mày gặp tao, điện thoại đuôi số mấy”? Nhận diện được khách “sộp”, Phúc hồ hởi: “Lấy cả tấn cũng có”.

Khi chúng tôi đề cập vấn đề muốn được cùng Phúc đến tận nơi xem hàng, Phúc trừng mắt: “Mày lấy, tao chở về cho, còn không thì… biến!”. Trước cái lắc đầu dứt khoát của Phúc, tôi tiếp cận một đầu nậu khác tên Dũng - là “đồng nghiệp” của Phúc tại chợ Long Biên. Sau nhiều lần tiếp cận, Dũng “gắng gượng” tiết lộ bí mật về địa chỉ cung ứng mực giá bèo để “buôn cho có bạn, bán có phường”.

{keywords}

Mực để đông đá từ kho mang ra có mầu nhợt nhạt.

“Ông có xe tải nhỏ thì cứ phóng lên chợ Máy Chai ở đường Ngô Quyền (Hải Phòng) mà lấy. Lấy ở đấy giá vừa rẻ lại vừa nhiều, Máy Chai là nơi cung cấp nguồn mực giá rẻ lớn nhất ở miền Bắc này, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá cũng có nhưng ít hơn”, Dũng tiết lộ.

Trước thông tin của Dũng, sáng 13.12, tôi quyết định lên xe tìm về chợ Máy Chai ở đường Ngô Quyền, phường Máy Chai (Ngô Quyền, Hải Phòng). 2h chiều cùng ngày, tôi liên lạc với Dũng qua điện thoại và được Dũng hướng dẫn: “Ông cứ vào sâu trong ngõ số 7 đường Ngô Quyền đợi tôi”.

Theo quan sát, xung quanh khu vực ngõ số 7 và đối diện chợ Máy Chai có gần chục kho đông lạnh ghi biển “Chuyên cung cấp các loại hải sản”. Gặp chúng tôi, Dũng tiết lộ. “Ở đây, kho nào cũng có mực nhập từ Trung Quốc. Kho của bà Gái, bà Phương, ông Tỉnh là lớn nhất. Mực lấy ở kho bà Gái và bà Phương lúc nào cũng rẻ hơn được vài giá”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những kho đông lạnh ở đây hoạt động liên tục 24/24h. Những chiếc xe đông lạnh hối hả vào kho lấy hàng, mỗi kho có khoảng trên chục nhân viên chuyên bốc hàng từ kho bỏ lên xe. 4h sáng 14.12, trong vai tiểu thương đi tìm nguồn mực giá rẻ để vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, chúng tôi tiếp cận vào kho đông lạnh của bà chủ tên Gái.

Kho đông lạnh của bà Gái rộng khoảng trên 100m2, bên trong hàng trăm bao mực nằm chất đống. Gặp khách, bà Gái đon đả: “Lấy loại nào, nhà chị loại rẻ nhất 10.000 đồng/kg, loại đắt nhất giá 37.000 đồng/kg, mỗi chuyến lấy trên 1 tấn chị giảm cho một giá”.

Tại kho bà Phương, chúng tôi gặp Cường (ngoài 30 tuổi, nhà ở quận Ngô Quyền). Hàng ngày, Cường và bà Phương cùng ở tại kho để quản lý việc thu ngân và xuất, nhập hàng. Cường cho biết: “Mực loại to bằng 2 ngón tay giá 28.000 đồng/kg, loại 3 con/kg giá 20.000 - 30.000 đồng, loại đắt nhất cũng chỉ 36.800 đồng/kg, lấy bao nhiêu cũng có”. 

{keywords}

Mực được ngâm ôxy già rồi đóng thùng vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.

Tiết lộ của dân trong nghề

Hàng ngày, những xe đông lạnh lớn nhỏ liên tục vào kho của bà Phương bốc hàng. Theo bà Phương tiết lộ, mỗi ngày cửa hàng của bà bán ra khoảng 20 - 30 tấn mực. Từ đây, các đầu nậu chở về Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và vận chuyển vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ.

Loại mực có giá rẻ bèo này được bà Phương nhập về từ Đài Loan (Trung Quốc) qua các cảng biển tại Hải Phòng, sau đó chở bằng container về kho. “Có một loại được phép nhập khẩu từ Đài Loan về qua cảng Đình Vũ, cảng Hạ Long..., cứ không có chất bảo quản là qua được cảng, được thú y đóng dấu. Một loại khác nhập lậu từ Đài Loan về qua các cảng nhỏ nhưng chất lượng kém hơn. Chú thích loại nào có loại ấy”, Cường tiết lộ.

Cũng theo Cường, thời gian trước, ít người nhập mực Đài Loan về bán nên dễ làm ăn. Thời điểm này, nhiều người sang Đài Loan tìm mối để vận chuyển về Việt Nam nên phải hạ thêm giá xuống để bán. Dẫn chúng tôi vào kho lấy ra hai túi mực đông cứng, Cường giới thiệu: “Buôn loại mực này lãi kinh lắm. Tôi có một mối do người Đài Loan cung cấp, khi nào cần hàng cứ gọi điện đặt họ sẽ cho người vận chuyển sang, bọn tôi chỉ lấy thêm vài giá thôi, mua bên ấy 10.000/kg về đây chỉ bán lên thành 14.000/kg thôi. Lấy rồi, tôi bày cho cách mà tẩy trắng. Mua mực này mà không dùng ôxy già tẩy thì vứt hết”.

Với ý định tìm bằng được địa chỉ cung cấp mực ở Đài Loan, chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này, nhưng Cường khẳng định: “Lấy ở đây là giá bèo nhất rồi. Ông không quen biết gì đừng có mơ mà đưa mực về. Mực bên ấy chỗ nào cũng có, nhưng phải quen biết mối hàng”.

Để tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc của mực giá bèo, chúng tôi tiếp tục tìm đến một số cảng nhỏ để dò hỏi. 3h sáng, cảng cá gần bến đò Máy Chai bắt đầu nhộn nhịp, hàng chục tàu thuyền ra vào cung ứng cá, mực do ngư dân tự đánh bắt và mực nhập về từ các nước. Biết chúng tôi đang tìm nguồn mực giá rẻ, ông H - một chủ tàu đánh cá - hất hàm: “Lấy bao nhiêu, thích mực Đài Loan, Ấn Độ hay mực nước nào anh mang về cho. Rẻ như bèo. Thích lấy mực ngư dân mình tự đánh bắt thì tươi ngon nhưng đắt lắm, ít nhất cũng 140.000 - 180.000 đồng/kg”.

Vừa chỉ tay hối người làm mang hết mực đông lạnh trên khoang tàu vào kho, ông H vừa bảo: “Ở các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, ngày nào chả có mực đông lạnh nhập từ Đài Loan về, được cái giá rẻ nên về Việt Nam rất dễ bán, các nhà hàng họ chuộng lắm. Mấy năm nay, anh em tôi cũng ít đi câu mực vì đi xa bờ về không được ăn thua, bán đắt thì không ai mua mà bán rẻ thì không đủ vốn, khó mà cạnh tranh được với mực Đài Loan nên nhiều anh em bỏ nghề chuyển sang đi buôn mực đông lạnh”.

{keywords}

Cường (bên trái) cho biết: Toàn bộ mực giả rẻ được nhập về từ Đài Loan.

Nói về quy trình nhập mực và vận chuyển mực về Việt Nam, ông H tiết lộ: “Bên Đài Loan, mực đông lạnh nhiều lắm, vào cảng nào cũng có, muốn bao nhiêu họ cung ứng cho bấy nhiêu. Muốn sang tận nơi lấy hàng thì sang, không thì cứ gọi điện họ sẽ chuyển sang đây cho mình. Chở về đến đây, trà trộn vào với loại mực có giấy phép nhập khẩu rồi bán. Được cái cứ không có chất bảo quản là thú y, cơ quan chức năng họ đóng dấu cho hết”, ông H nói.

Khi chúng tôi đề cập muốn đi cùng thuyền với ông H sang Đài Loan tìm nguồn mực và sẽ chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển, ông H lắc đầu: “Biết ông là ai mà cho lên thuyền, thích loại nào tôi mang về cho. Giá bèo bọt thế này đi làm gì cho mệt người. Chúng tôi cũng chỉ lãi được có dăm bảy giá thôi”. Khi chúng tôi hỏi, vì sao bên Đài Loan mực giá rẻ như vậy, ông H ngắn gọn: “Toàn mực hết đát (hết hạn sử dụng - PV), nhớt nhợt, dân họ không dùng nhưng dân mình ham rẻ thì mua về dùng”.

Những ngày có mặt tại chợ Máy Chai, chúng tôi tiếp cận được với rất nhiều đầu nậu kinh doanh mực giá rẻ, những đầu nậu này chuyên gom hàng từ các kho đông lạnh, sau đó về dùng ôxy già tẩy trắng, ngâm muối, đóng thùng rồi gửi xuống cho các mối hàng ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh hoặc gửi vào miền Nam tiêu thụ.

“Chú thích lấy loại đã tẩy trắng thì tôi ngâm ôxy già cho luôn, còn chú thích lấy mực đông đá thì ra bến xe, tôi gửi xuống cho mà bán, về đây làm gì cho xa xôi. Muốn làm ăn thì phải có đường đây, tự túc hết như chú đến bao giờ mới giàu được. Ngày nào bọn tôi chả chuyển gần chục tấn mực đông lạnh qua tàu xe cho khách”, ông Hải - một đầu nậu gom mực tại Hải Phòng - cho biết.

Cũng theo ông Hải, mực “Tàu” hầu hết đều là mực kém chất lượng. “Ưu điểm của mực Tàu là giá rẻ, nhưng không biết cách tẩy trắng thì vứt hết. Chú tính xem, mua tại Máy Chai giá bình quân cứ 30.000 đồng/kg. Khi về ngâm với ôxy già, bóc vỏ bị hao mất 3 - 4 lạng. Như vậy, một kilogram còn 7 lạng, nhân lên với giá 70.000 đồng/kg, trừ trầm đi, mỗi tấn cũng lãi được gần chục triệu”, ông Hải nhẩm tính.

Chiều 15.12, sau khi nhập gần hai tấn mực tại kho bà Gái, ông Hải vận chuyển ra bến xe Tam Bạc, bến xe Lạc Long (Hải Phòng) dán nhãn lên những thùng mực, bao tải mực: Vân Hà Nội, Thuỷ Hà Nội, Oanh Hà Nội... rồi gửi cho nhà xe vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Cứ thế, mỗi ngày hàng chục tấn mực đông đá nhập về từ Đài Loan được giới kinh doanh dùng ôxy già tẩy trắng, ngâm muối rồi tung ra thị trường...

(Theo Lao động)