Những đợt nắng nóng vừa qua với những ngày nắng như thiêu như đốt. Nắng như đổ lửa xuống đường, ai ra đường cũng phải choàng lên người chiếc áo chống nắng lụng thụng. Bước chân xuống biển để trải nghiệm và hít thở cái không khí nồng nồng mằn mặn làm cho những làn da vốn dĩ đã "tươi màu suy nghĩ" càng thêm sạm hơn. Những đống muối được vun lên thành ụ lớn, biển đồng chiều trắng au mang theo những làn gió mặn mùi mồ hôi và nước biển.
Nước ta có bờ biển dài trải khắp ba miền Bắc Trung Nam. Dọc đường đi ta thấy những người dân biển miệt mài be bờ đắp đất làm ruộng muối. Trên cánh đồng muối vào những ngày này, khi trời nắng to cũng là lúc những tia nắng như những vì sao lấp loáng nhảy múa chập chờn. Chiều chiều người dân đổ ra đồng cào muối.
Cũng giống như những nghề nông nghiệp khác, những năm trước khi giá muối tăng cao, nhiều người dân biển đã bỏ tôm đi làm muối khiến cơ cấu nông nghiệp của nhiều vùng bị chuyển đổi. Những năm gần đây, giá muối rẻ khiến người làm muối thu hoạch càng nhiều thì càng lỗ nặng. Cái vòng luẩn quẩn chạy đôn chạy đáo với cái quy luật muôn thuở "được mùa mất giá, được giá mất mùa" từ khi sinh ra nghề làm muối đến nay cứ dai dẳng bám theo những mảnh đời cơ cực của bao người dân lao động như hình với bóng.
Từ giá cả lại đến thời tiết, thực tế cho thấy nghề làm muối là nghề chịu ảnh hưởng của thời tiết nhiều hơn những nghề nông nghiệp khác. Bắt đầu từ tháng 5, tập trung chủ yếu vào tháng 7 đến tháng 9, khi cái nắng chói chang của mùa hè bắt đầu xuất hiện cũng là lúc mùa muối đang những ngày chính vụ.
Không biết hạt muối nào được kết tinh từ nước biển và hạt muối nào hình thành từ những giọt mồ hôi? Khi những hạt muối được gom thành những đống muối cao cũng là lúc một ngày làm việc kết thúc. Có người vội vàng đưa tay quệt ngang những giọt mồ hôi đang lăn dài trên mặt, có người thì ngồi bệt xuống góc ruộng cầm chiếc nón lá quạt lạch phạch. Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn tiếng thở hổn hển của ai đó sau khi vác những phương muối nặng trĩu trên vai để đổ vào cái bể đựng muối to xụ. Bất chợt có tiếng ai đó thở dài khi nghe tin muối giảm giá bất ngờ.
Cái nắng chói chang và giá cả bấp bênh từng mùa vụ vẫn cứ ngang nhiên thách thức người lao động. Đa số dân biển là dân nghèo, quanh năm gắn bó với con cá, cái tôm và hạt muối. Nhiều người không có vốn đầu tư nên họ phải vay mượn khắp nơi. Đa số là họ được các thương lái tạm ứng tiền với những "hợp đồng miệng" một cách chóng vánh, chụp giật theo kiểu mùa vụ.
Do đó, khi hạt muối mới hình thành khuôn là đã bị chủ đầu tư đến đòi nợ ngay tại ruộng và chính những người lái buôn này đã là những người quyết định giá muối trên thị trường. Những cảnh bán muối non chớp nhoáng nhanh gọn cứ thế tiếp diễn từ mùa này sang vụ khác.
Vất vả cực nhọc là vậy, nghề làm muối sao mà gian nan, trắc trở bấp bênh. Được mùa cũng nhờ ông trời, thất bát cũng tại ông trời. Có những năm khi mùa muối về mới thu hoạch được vài đợt thì bị mưa như trút nước. Mưa triền miên, bão nối bão, lũ chồng lên lũ. Những cơn mưa xối xả dội về đã nhấn chìm tất cả. Chẳng mấy chốc những cánh đồng muối trở thành biển nước trắng xóa mênh mông.
Nước tạo nên muối, nước cũng hòa tan muối như một nghịch lý ở đời. Cái nghịch lý sao mà bất công cứ ám ảnh những người dân lao động từ đời này sang đời khác. Nước mang hạt muối về, nước lại lấy hạt muối đi. Điệp khúc "nước-muối-nước" ấy sao cứ lặp đi lặp lại qua từng năm tháng như những mũi dao cứa vào da thịt mỗi lúc bão về sao mà xót xa, làm sâu thêm vết thương lòng của bao người dân miền biển.
Những cơn bão dữ dằn hoặc những cơn mưa trái mùa bất chợt đã làm ngập hàng ngàn héc-ta muối mỗi năm. Sau mỗi một cơn mưa, người dân làm muối lại phải đầu tư cải tạo lại ruộng muối, đầm lại nền ruộng, be lại bờ, tháo nước về và ước sao cho ông trời đừng làm mưa nữa.
Nghề làm muối đã trở thành một nghề truyền thống từ rất lâu đời, nhưng vài năm gần đây diện tích đất dành cho hoạt động làm muối bị nhiều yếu tố tác động. Nhiều nơi đất làm muối được giao cho từng hộ gia đình nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp giấy chứng nhận rất chậm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc vay vốn đầu tư của nông dân.
Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng tìm hướng đi mới để xây dựng những mô hình sản xuất muối bền vững ở khắp các tỉnh ven biển thì các nhà quy hoạch lại đi những bước đi ngược lại. Đây là lý do khiến diện tích đất làm muối bị giảm đi nhiều so với trước. Bên cạnh việc chống chọi ứng phó với thiên tai, nghề làm muối vẫn đang nhúc nhích từng bước một để phát triển ổn định và bền vững.
Nghề làm muối cũng là một nghề nông nghiệp. Những trăn trở của nghề làm muối cũng là những trăn trở của các nhà nghiên cứu khoa học nông nghiệp và các cấp ngành quản lý. Khi bản thân hạt muối đang phải đội bao nhiêu thứ trên đầu thì việc tìm ra một hướng đi ổn định bền vững cho muối luôn là mối quan tâm cho tất cả chúng ta.
Nguyễn Thúy Hạnh