- Việt Nam luôn thấm nhuần phương châm Pax per potens - peace through strength - nếu muốn hòa bình cho đất nước, phải xây dựng đất nước mạnh.

Khi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển VN, Bộ Chính trị đã đặt ra 3 yêu cầu: Bảo vệ chủ quyền quốc gia; Giữ vững hòa bình và ổn định môi trường; Thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm.

{keywords}
Các chiến sĩ tại Trường Sa. Ảnh: Minh Thăng

VN đã đề ra một loạt biện pháp thúc đẩy kinh tế, trong đó có kinh tế biển phát triển. Gói 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đã được phê duyyệt và triển khai. Lượng thủy sản đánh bắt được và xuất khẩu trong năm 2014 đạt 7,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch ước đạt 8 triệu người vượt 5,4% so với năm trước.

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. VN đang dần trở thành điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia về điện tử, điện thoại di động. Điều mà rất ít cá nhân và các cơ quan tài chính quốc tế có thể dự đoán đã đến. Chỉ số GDP tăng 5,98 % so với chỉ tiêu 5,8% và dự báo giảm 5,3% khi có sự kiện Hải Dương 981. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 150 tỷ USD.  Trong năm 2014 đã có 12 luật về kinh tế trong tổng số 29 luật được Quốc hội thông qua. 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra cho Chính phủ  năm 2014 đạt và vượt, trừ chỉ tiêu “số lao động qua đào tạo”.

Đối ngoại giữ được sự ổn định, hòa bình, cho phát triển. Ngược lại, phát triển kinh tế tạo tiềm lực cho đối ngoại, quốc phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền tài phán của VN trên Biển Đông.

Nghĩa vụ quốc tế trong vụ MH 370

Năm 2014 đã xảy ra nhiều thảm họa hàng không, hàng hải. Hai sự cố hàng không lớn của thế giới đã xảy ra trong vùng biển Đông Nam Á.

{keywords}
Đảo Song Tử Tây

Trong vụ máy bay MH 370 của Malaysia, VN là quốc gia đầu tiên trong khu vực triển khai tìm kiếm cứu nạn ngay trong sáng 8/3/2014 sau khi ĐSQ Việt Nam tại Malaysia báo về mặc dù chưa có sự yêu cầu chính thức của phía Malaysia nhờ tìm kiếm. Mặc dù máy bay chưa vào tới vùng thông báo bay của mình (FIR Vietnam) nhưng VN đã triển khai chiến dịch tìm kiếm lớn nhất từ trước tới nay trên vùng biển Tây Nam.

Ngoài ra, vì lý do nhân đạo, VN đã cho phép phương tiện của các quốc gia liên quan vào vùng biển của mình để tìm kiếm. Những nỗ lực đó của VN đã được cộng đồng quốc tế nói chung, Malaysia, TQ nói riêng ghi nhận và đánh giá cao. Trong chuyến thăm chính thức VN ngày 2-4/4, Thủ tướng Malaysia đã cảm ơn lãnh đạo và nhân dân VN vì sự giúp đỡ trong khó khăn. Đó cũng là một trong những nhân tố để hai bên nhất trí tiến tới đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới - đối tác chiến lược.

Cuộc tìm kiếm này là cuộc thử thách lớn nhất từ trước đến nay để kiện toàn trình độ quản lý, phối hợp các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển. VN đã thực thi nghiêm chỉnh Công ước Luật biển, hoàn thành trách nhiệm của quốc gia ven biển trong việc độc lập tổ chức tìm kiếm cứu nạn cũng như tham gia các nỗ lực chung của cộng đồng khu vực và quốc tế. 

Trong những ngày cuối 2014, trước tai nạn hàng không mới của hãng AirAsia, ngày 28/12/2014 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với người đồng sự  Indonesia rằng VN sẵn sàng hỗ trợ và tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay  QZ8501, thực hiện trách nhiệm quốc tế của một quốc gia ven biển và thành viên của Cộng đồng ASEAN.

Hợp tác quốc tế đấu tranh chống cướp biển

Năm 2014 cũng báo động nạn cướp biển không xa xôi gì khi tàu thuyền VN liên tục trở thành nạn nhân của cướp biển. Lần đầu tiên các tàu chở hàng của VN khai báo bị cướp biển tấn công, Sunrise 689 tháng 10/2014 và VP ASPHALT 2 ngày 7/12/2014, khiến một thuyền viên thiệt mạng. Cả hai vụ đều xảy ra trên tuyến hàng hải từ Singapore đến VN.

Nhằm đấu tranh trấn áp các hiện tượng cướp biển (cướp có vũ trang), VN đã tích cực hợp tác với các nước láng giềng. Hải quân VN đã thỏa thuận với Hải quân Thái Lan từ năm 1999, thực hiện 29 chuyến tuần tra chung; với Hải quân Campuchia từ năm 2002, thực hiện 35 chuyến tuần tra chung; với Hải quân TQ từ năm 2005, thực hiện 16 chuyến tuần tra liên hợp; với Hải quân Malaysia, Philippins, Indonesia và Brunei đã thiết lập đường dây nóng.

Năm 2014 đầy thử thách. Nhìn tổng thể, VN đã xử lý tốt tình hình trên biển để “nóng mà không sôi”. Xử lý tốt các vấn đề trên biển tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Kinh tế VN đã vượt qua khủng hoảng, tăng trưởng trên mức dự đoán. Năm 2015 hứa hẹn những thử thách cam go hơn khi TQ đang tiếp tục tôn tạo mở rộng các bãi đá, ngầm trên Biển Đông, khi nguy cơ về một vùng nhận dạng phòng không phi pháp được thiết lập trên Biển Đông đang tiềm ẩn, khi căng thẳng xung quanh vụ Philippins kiện TQ thêm cận kề.

Cũng có những tín hiệu về nỗ lực thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông ASEAN-TQ, về sự hình thành Cộng đồng ASEAN và những tiếng nói ngày càng mạnh của dư luận quốc tế ủng hộ một giải pháp không vũ lực ở Biển Đông.

Những bài học của 2014 sẽ giúp cho đối ngoại VN biến cái không thể thành có thể, biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự, giữ vững chủ quyền và các quyền tài phán trên biển, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, xứng đáng với lời dạy của tiền nhân: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình.

Nguyễn Hồng Thao