- Do không hợp về cách sống nên vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Vợ tôi nhiều lần không nói trước mà bỏ về quê ngoại, không ngó ngàng gì đến con cái. Nay cô ấy muốn sang Đài Loan lấy chồng, nhưng đòi mang theo cả con trai tôi, vì nghe nói người chồng Đài Loan kia không có khả năng sinh con.

TIN BÀI KHÁC

Xin hỏi luật sư nếu tôi không đồng ý ly hôn thì vợ tôi có đơn phương ly hôn được không? Con tôi năm nay 5 tuổi, nhưng chủ yếu sống với bố, gia đình tôi cũng đủ điều kiện để nuôi cháu cả về kinh tế lẫn học thức. Trong khi đó vợ tôi chỉ học hết lớp 9, nghề nghiệp không ổn định. Nếu ly hôn thì tôi có thể giành quyền nuôi con được không?

{keywords}
Vợ tôi muốn mang theo con trai đi cùng (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Quyền yêu cầu ly hôn.

Căn cứ vào Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.” 

Theo quy định trên, nếu bạn không ký vào đơn ly hôn, vợ bạn vẫn có thể đơn phương xin ly hôn nếu vợ bạn chứng minh “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.”

Thứ hai: Về quyền nuôi con.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. 

Hai vợ chồng bạn thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên nuôi căn cứ vào các yếu tố sau: Điều kiện về vật chất; Các yếu tố về tinh thần... Trong trường hợp bên nào có yêu cầu nuôi con phải chứng minh được việc đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc