Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 22/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có ông Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn - Bí Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ông Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,...

{keywords} 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.  

Người Việt đọc sách 1h/ tuần

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: ''Truyền thống của dân tộc ta là ham học, đọc sách. Cách đây khoảng 200 năm, Cao Bá Quát đã nói “đọc sách mắt như đèn muôn dặm”. Tuy nhiên, qua bao nhiêu năm kinh tế thị trường với nhịp sống nhanh hơn, vật chất nhiều hơn tỷ lệ người đọc sách ngày càng giảm đi.

Theo một khảo sát quốc tế, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11h, một số nước và vùng lãnh thổ châu Á như Đài Loan là 5h, xếp thứ 27, Nhật Bản là 4h, xếp thứ 28, Hàn Quốc là 3h, xếp thứ 29. Việt Nam khoảng 1h. Người Việt Nam thụ hưởng khoảng 4,2 cuốn sách mới/ mỗi người/ mỗi năm nhưng trong đó có 2, 3 cuốn sách là sách giáo khoa. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách thuộc nhóm thấp trên thế giới. “Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 22/2/2014 về Ngày Sách Việt Nam nhằm 3 mục tiêu: Khuyến khích người Việt Nam đọc sách; Tôn vinh giá trị sách; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc của Việt Nam.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số, công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, những công nghệ ngày nay thay đổi nhanh, và liên tục gần như từng ngày. Một cá nhân hay một dân tộc muốn tồn tại hay phát triển chỉ còn cách học – học cả đời, liên tục đọc - đọc cả đời.

Và do vậy, đây là một quyết định thể hiện sự quan tâm kịp thời và tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta nhằm chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Có thể coi đây như là một tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. 

{keywords}

{keywords}

Tại Hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản cũng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo điện tử VietNamNet vinh dự được 2 nhận bằng khen cho tập thể và cá nhân. 

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay 5 năm qua, số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Tuy chưa phải phổ cập, nhưng Ngày sách Việt Nam đã về được đến cấp huyện, xã; tủ sách đã về đến lớp học và hộ gia đình; giờ đọc sách đã vào đến lớp học; Tết đến mọi người đã lì xì, mừng tuổi bằng sách.

Thành phố Hà Nội và TP.HCM đã có đường sách. Nhiều địa phương đã tổ chức ngày hội sách. Hàng năm đã tổ chức Giải thưởng sách quốc gia. 10 nhà xuất bản đầu tiên đã chuẩn bị cho việc xuất bản điện tử.

“5 năm tới, chúng phải làm rất nhiều việc nữa. Số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế chính sách mới phải được ban hành để chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách sẽ được phổ cập rộng hơn. Giải thưởng sách Quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội, với giải thưởng lớn hơn. Hợp tác quốc tế về sách rộng rãi hơn”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Không coi trọng thực học, văn hoá đọc không phát triển

Tại Hội nghị, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, địa phương rất thành công trong phong trào xây dựng tủ sách và phong trào đọc sách cho hay: ''Nên bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách từ bậc mầm non, tiểu học vì các hành vi được phát triển thành thói quen của trẻ sẽ theo trẻ suốt đời. Ngoài ra, nên tiếp tục phát huy các thiết chế văn hoá hiện có và đổi mới sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan để tối ưu hoá cơ sở vật chất như nhà văn hoá, thư viện, nhà đa năng của trường học, điểm bưu điện văn hoá xã. Bên cạnh đó, nên đặc biệt chú trọng đến điểm bưu điện văn hoá xã vì những lợi thế nổi bật như: đa dịch vụ, hướng tới cung cấp dịch vụ hành chính công, mạng lưới rộng khắp cả nước và sứ mệnh ban đầu là trở thành một thiết chế văn hoá cơ sở.

“Cái gốc của đọc sách lại liên quan đến cách mà nhà nước và xã hội sử dụng và đánh giá con người. Tôi cho rằng chừng nào còn không coi trọng thực học, không coi trọng việc tuyển dụng và sử dụng con người dựa trên thực tài và thực học thì chừng đó văn hoá đọc còn chưa thể phát triển được”, ông Bạch Ngọc Chiến cho hay.

“Để phát huy tối đa vai trò của sách đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, nhất thiết phải có sách hay và có cách đưa sách đến với mọi người hay tạo dựng được thói quen đọc sách. Muốn xây dựng được thói quen đọc sách phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình và nhà trường mới đến xã hội.

Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ hay người lớn người thân không bao giờ đọc sách; hãy nhớ rằng trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi học sinh khi nhà trường còn chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện hay dạy cho các em học sinh cách đọc sách, hoặc có những yêu cầu học sinh phải đọc sách hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, ngoài sách giáo khoa", GĐ Nhà Xuất bản Trẻ chia sẻ.

Dành quỹ thời gian nhất định trong ngày để đọc sách

Sau khi nghe nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có những phát biểu thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng những nỗ lực và những thành tích của các bộ, ban, ngành, các địa phương đã đạt được qua 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh thành tựu đạt được, Ngày Sách Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc đẩy mạnh triển khai hoạt động Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn cơ sở chưa đồng bộ; nhiều hoạt động tổ chức còn mang tính hình thức, chưa thực hiện được sự tham gia của cộng đồng; sự tham gia, phối hợp triển khai trong khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương còn hạn chế, chưa tạo được sự hưởng ứng chính và tạo thành phong trào đọc sách sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Để tiếp tục phát huy vai trò của sách trong đời sống xã hội, thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông với trách nhiệm được Chính phủ giao chủ trì tổ chức tiếp tục xây dựng kế hoạch hướng dẫn tổ chức theo từng năm, nhằm triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Trong đó cần xác định chương trình hành động cụ thể, phù hợp với từng bộ ngành, tổ chức và địa phương, có sự gắn kết giữa các hoạt động với hiệu quả sử dụng trong cộng đồng. Từ đó tham mưu, trình Chính phủ những cơ chế, chính sách đầu tư cho hoạt động này.

Các bộ, ngành, tổ chức và địa phương đưa vào kế hoạch công tác hàng năm nhiệm vụ tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ VHTT&DL, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần triển khai Ngày Sách Việt Nam một cách thường xuyên, sâu rộng trong toàn hệ thống. Hội Xuất bản, Hội Thư viện Việt Nam tăng cường công tác chỉ đạo các tổ chức hội thành viên hưởng ứng tích cực Ngày Sách Việt Nam với những hoạt động thiết thực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kỳ vọng, kết quả của Hội nghị này sẽ đưa ra những giải pháp, những định hướng chính để phát triển phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trong cộng đồng.

“Tôi hy vọng mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và mỗi người dân sẽ ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của sách, việc đọc sách từ đó dành một quỹ thời gian nhất định trong một ngày học tập, làm việc và lao động cho việc đọc sách nhằm tích luỹ những kiến thức bổ ích, làm giàu thêm cho đời sống văn hoá, tinh thần của mình”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kỳ vọng.

Tình Lê

Gần 100 gian hàng đã sẵn sàng cho Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6

Gần 100 gian hàng đã sẵn sàng cho Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6

Lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 6, Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 18 -22/4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).