Luật cải cách giáo dục mới của Mỹ sẽ trao quyền cho giới chức bang và địa phương có thể cải tiến hệ thống giáo dục của địa phương.
Nhà Trắng cho biết đạo luật mới có tên "Mọi sinh viên đều thành đạt" (Every Student Succeeds) sẽ thay thế cho đạo luật "Không có trẻ em bị bỏ rơi" (NCLB) được ban hành năm 2002 nhưng bị chỉ trích trong suốt một thập kỷ qua do không hiệu quả.
Theo luật cải cách giáo dục mới, mọi học sinh vẫn phải làm các bài kiểm tra môn đọc hiểu và toán học trên quy mô toàn quốc, tương tự như đạo luật cũ.
Tuy nhiên, luật mới sẽ trao quyền cho giới chức bang và địa phương có thể cải tiến hệ thống giáo dục của địa phương dựa trên kết quả của bài kiểm tra, thay vì áp đặt quy định chung liên bang như NLCB từng áp dụng.
Ngoài ra, luật giáo dục mới cũng khuyến khích các bang khác nhau giới hạn thời gian làm bài thi cho học sinh.
Kể từ khi được áp dụng, đạo luật NCLB đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì áp đặt chung các quy định cho 100.000 trường công lập quốc gia trong việc đánh giá chất lượng giảng dạy.
Ngoài ra, tất cả học sinh phải được kiểm tra đánh giá trình độ theo một bài thi tiêu chuẩn hàng năm ở hai môn đọc hiểu và toán học, đòi hỏi học sinh và nhà trường phải chứng tỏ sự tiến bộ của học sinh hàng năm.
Học sinh ở lớp 11 và 12 phải thi lấy chứng chỉ SAT hoặc ACT để chuẩn bị cho việc vào đại học. Nếu đạt kết quả tốt trong các kỳ thi này, các em có thể được nhận vào các trường đại học danh tiếng tại Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đạo luật cũ đã làm cho chương trình giảng dạy bị hạn hẹp, không có lợi cho học sinh và nền giáo dục quốc gia.
Nhiều tiểu bang đã yêu cầu miễn áp dụng đạo luật NCLB do bị kẹt trong quy định thiếu linh động, chỉ tập trung vào môn đọc hiểu và toán nên xem nhẹ các môn xã hội, mỹ thuật và giáo dục thể chất.
(Theo Tin Tức)
Cơ chế giáo dục đang "độc quyền, độc bản, độc đạo"
Đó là quan sát được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiểu học TP HCM đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP HCM) tổ chức ngày 11/12. Điều kiện và hoạt động sư phạm, giáo dục hiện nay theo cơ chế “3 độc”: Duy nhất một tài liệu dạy học, một đường hướng chuyên môn giáo dục, và một cơ quan quyết định tất cả mọi vấn đề theo hàng dọc. Từ Bộ GD-ĐT về Sở, các phòng GD-ĐT, về trường, rồi cuối cùng mới đến giáo viên. Trong khi chính giáo viên, những người trực tiếp đứng trên bục giảng mới là đối tượng trải nghiệm nhiều nhất những tồn tại của giáo dục. Theo một khảo sát với hơn 1.000 giáo viên, thì yếu tố phổ biến nhất ảnh hưởng đến năng lực làm việc của giáo viên là sổ sách, giấy tờ quá nhiều (86,6%) rồi mới đến: thu nhập, bệnh thành tích,v.v.. Nhiều đại biểu phản ánh chính bản chất “kê toa”, bám sách hiện nay của giáo dục đã thui chột dần khả năng tự chủ, sáng tạo của giáo viên. Đó là việc giáo viên bị lệ thuộc vào một bộ sách, dạy giờ nào, bài nào, thời lượng bao nhiêu phút…cũng được kê sẵn, thậm chí biết sai mà không dám sửa, coi SGK là pháp lệnh và người viết sách như "thánh" khiến người thầy mất hẳn quyền chủ động với bài giảng. Theo Đặng Trinh - Người lao động |