Ngày 11/12, Mỹ cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19 của Pfizer, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng tại nơi đại dịch đã giết chết hơn 295.000 người. Việc tiêm chủng trên diện rộng dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho biết, vắc xin do Pfizer phát triển cùng đối tác BioNTech của Đức (hiệu quả 95%) sẽ được tiêm cho những người từ 16 tuổi trở lên.
Ảnh minh họa: Reuters
Nhân viên y tế và người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc dài hạn sẽ là những đối tượng chính của đợt 2,9 triệu liều trong tháng 12.
Theo Giám đốc điều hành BioNTech, Ugur Sahin, vắc xin này sẽ cứu sống nhiều người trên khắp nước Mỹ và có thể đẩy nhanh tốc độ trở lại cuộc sống bình thường.
“Hôm nay thực sự là một sự kiện lịch sử đối với toàn nhân loại”, Moncef Slaoui, nhà miễn dịch học tham gia phát triển vắc xin của chính phủ nói.
"Đã 11 tháng từ khi virus gây đại dịch tàn phá cuộc sống trên toàn cầu. Khoa học, công nghiệp và chính phủ đã làm việc cùng nhau để phát triển và sản xuất vắc xin trong thời gian nhanh kỷ lục. Đây sẽ là mấu chốt quan trọng để giúp chúng ta thoái khỏi căn bệnh này", ông Slaoui cho hay.
Các cơ quan y tế, dịch vụ vận chuyển, bệnh viện và hiệu thuốc ở Mỹ đã sẵn sàng cho một chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc. Pfizer cho biết họ sẽ bắt đầu giao hàng ngay lập tức và các hệ thống y tế công cộng của các bang đã lên kế hoạch bắt đầu tiêm sớm vào đầu tuần tới.
Vắc xin Pfizer - BioNTech được phê duyệt ở Anh vào đầu tháng 12 và người dân ở đó đã bắt đầu tiêm chủng. Canada cũng đã cấp phép loại vắc xin này và dự kiến sẽ bắt đầu tiêm vào tuần tới.
Mexico, Bahrain và Ả Rập Xê Út cũng đã phê duyệt vắc xin Pfizer.
Margaret Keenan, 90 tuổi, là một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin Pfizer ở Anh. Ảnh: USA Today
Các loại vắc xin Covid-19 khác gồm có Moderna, có thể được cấp phép khẩn cấp của Mỹ trong tuần tới; AstraZeneca và Đại học Oxford; Johnson & Johnson.
BioNTech bắt đầu phát triển vắc-xin Covid-19 vào tháng 1, sử dụng một công nghệ gọi là RNA thông tin tổng hợp (mRNA). Theo đó, một thông tin hóa học hướng dẫn tế bào tạo ra protein bắt chước một phần của virus nCoV để hệ miễn dịch nhận ra.
Vắc xin đi kèm với những thách thức trong việc phân phối vì phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C, yêu cầu tủ đông cực lạnh chuyên dụng hoặc nguồn cung cấp đá khô.
Pfizer đã phát triển một thùng vận chuyển đặc biệt chứa đầy đá khô để giữ vắc xin không bị hỏng.
Các quan chức y tế Mỹ cho biết họ sẽ có đủ vắc xin để cung cấp cho 330 triệu dân tới giữa năm 2021. Chính phủ Mỹ đã đặt hàng 100 triệu liều Pfizer - đủ để tiêm chủng cho 50 triệu người và 200 triệu liều của Moderna.
Chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết nếu việc phân phối diễn ra suôn sẻ và đủ người Mỹ đồng ý tiêm vắc xin, việc chủng ngừa sẽ đạt được mức miễn dịch cộng đồng.
Ông Fauci nói: “Vào cuối mùa hè hoặc cuối quý 3, chúng ta có thể đủ khả năng miễn dịch cộng đồng để bảo vệ xã hội”.
An Yên (Theo Reuters, USA Today)
Vắc xin Covid-19 của Việt Nam có tác dụng bảo vệ trên 6 tháng
Vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam có thể cho hiệu quả bảo vệ trên 90% và có hiệu lực ít nhất 6 tháng.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.