Tòa phúc thẩm Mỹ vừa ra phán quyết cho phép Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) tiếp tục gửi yêu cầu do thám tới các công ty công nghệ và cấm họ tiết lộ những sắc lệnh này ra bên ngoài.
Công ty Internet Cloudflare và nhà quản lý mạng không dây CREDO Mobile đã khởi kiện chính quyền liên bang Mỹ nhằm giành quyền công khai các bức thư FBI gửi cho họ. Các nguyên đơn cho rằng, những bức thư dưới dạng trát của tòa nhằm thu thập thông tin vì mục đích an ninh quốc gia này là trái hiến pháp, vì chúng vi phạm các quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất.
Theo những người chỉ trích, các bức thư an ninh quốc gia (NSL) như trên "cho phép FBI bí mật đòi cung cấp dữ liệu về các hoạt động Internet và liên lạc cá nhân của dân thường Mỹ mà không cần sự giám sát hoặc xét duyệt trước của tòa án". Các công ty nhận được NSL sau đó sẽ rơi vào thế kẹt, vì họ thậm chí không thể tiết lộ mình đã nhận được sắc lệnh như vậy, trừ khi các bức thư được giải mật. Hơn thế nữa, các sắc lệnh của FBI sẽ kéo dài vô hạn định.
Hôm 17/7, một tòa phúc thẩm ở San Francisco đã ra phán quyết ủng hộ quyết định trước đó của tòa án cấp thấp hơn về việc giữ bí mật NSL. Nhà chức trách nhấn mạnh, việc tiết lộ các bức thư như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, gấy xáo trộn công tác điều tra, quan hệ ngoại giao hay đe dọa sự an toàn cũng như tính mạng của bất kỳ người nào.
Andrew Crocker, một luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn, tỏ ra thất vọng với phán quyết mới của tòa phúc thẩm. Ông nhấn mạnh, không chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận, các thư NSL còn ngăn cản các công ty công khai mọi hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng.
Bộ Tư pháp Mỹ hiện từ chối bình luận về vụ việc.
Cloudflare and CREDO không phải là những công ty duy nhất từng nhận được thư NSL. Hồi tháng 5, Apple tiết lộ hãng đã nhận được một trong hàng ngàn sắc lệnh an ninh dưới dạng một bức thư NSL giải mật. Twitter cũng từng nhận được hai yêu cầu cung cấp thông tin người dùng tương tự từ FBI trong 2 năm vừa qua. Google, Yahoo và Cloudflare gần đây cũng cho công bố các yêu cầu do thám của FBI dưới dạng NSL từ năm 2013.
Tuấn Anh - Đinh Bạt Tuấn - Phạm Văn Thường (Theo CNET)