Theo Wall Street Journal, quy định được đưa ra từ tháng 11/2020 tạo điều kiện cho Bộ Thương mại Mỹ cấm các giao dịch kinh doanh công nghệ bị coi là đe dọa an ninh quốc gia. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ.
Các công ty công nghệ, viễn thông, tài chính… của Mỹ cho rằng biện pháp của ông Trump có thể hạn chế đổi mới và sự cạnh tranh. Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ hi vọng chính quyền Tổng thống Biden sẽ hoãn áp dụng quy định này.
Tuy nhiên, nguồn tin của WSJ khẳng định chính quyền ông Biden sẽ cho phép quy định trên có hiệu lực từ tháng 3. Các quan chức Nhà Trắng lo ngại việc cản trở quy định này sẽ khiến chính quyền ông Biden bị xem là “mềm yếu” với Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn bị xem là mềm mỏng với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Một đại diện của Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục tiếp nhận phản hồi của giới doanh nghiệp về quy định trên cho đến ngày 22/3. Sau ngày này, quy định sẽ có hiệu lực. Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ bình luận gì.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, quy định này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của 4,5 triệu doanh nghiệp Mỹ. Các công ty này sẽ phải xin giấy phép của chính phủ để mua hàng và thực hiện các thỏa thuận có liên quan đến những công nghệ phức tạp.
Chính quyền ông Biden sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch công nghệ có liên quan đến các hạ tầng quan trọng của Mỹ, các mạng lưới và dịch vụ vệ tinh, dữ liệu, phần mềm Internet, công nghệ vi tính cấp cao, máy bay không người lái, hệ thống tự hành hoặc robot…
Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã ra lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với một số công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, WeChat… Theo WSJ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ thừa nhận đối mặt nhiều rủi ro công nghệ từ Trung Quốc, bao gồm nguy cơ bị đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu y tế và tài chính…
Theo Zing/Wall Street Journal
'Sát thủ của Tesla' tại Trung Quốc đang nắm công nghệ gì đặc biệt?
Được ví là sát thủ của Tesla, hãng xe điện NIO của Trung Quốc có rất nhiều sự khác biệt đối với "ông lớn" của Mỹ.