"Mỹ, Nhật Bản cùng 11 quốc gia khác sẽ khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khuôn khổ này là cam kết hợp tác với những người bạn và đối tác thân thiết của chúng tôi trong khu vực, nhằm giải quyết những thách thức quan trọng nhất đối với việc đảm bảo khả năng cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21”, Tổng thống Biden tuyên bố.

Theo hãng thông tấn Reuters, khuôn khổ kinh tế mới do Mỹ đề xuất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tên gọi là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF), được lập ra với mục đích giúp Mỹ củng cố sự hiện diện và tái khẳng định sức mạnh chiến lược của nước này tại châu Á. Đây cũng là khuôn khổ nhằm thiết lập nhóm các đối tác thương mại có mối liên kết chặt chẽ hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm 23/5. Ảnh: Reuters

IPEF chính thức được khởi động vào 4 rưỡi chiều hôm nay (giờ Nhật Bản, tức 2 rưỡi chiều giờ Hà Nội), sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Sáng kiến này được khởi động khoảng 7 tháng sau khi được ông Biden công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 10/2021. Đây được xem là một trong các trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden.

Không giống như các khối thương mại truyền thống, các thành viên tham gia IPEF không phải đàm phán về thuế quan hay các hoạt động tăng cường tiếp cận thị trường. Thay vào đó, khuôn khổ này có thể tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính, gồm kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.

Cũng trong ngày 23/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng việc nước này tham gia IPEF nhằm đặt ra các quy định cho những hoạt động kinh tế và thương mại trong khu vực là điều đương nhiên. 

"IPEF không phải là một cuộc đàm phán thương mại với một số nội dung giống như Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Đây là một quá trình thiết lập các quy định mang tính bao quát đối với các hoạt động kinh tế và thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ, "Vì vậy, rõ ràng chúng ta phải tham gia vào khuôn khổ này. Nếu chúng ta tự loại mình ra khỏi quá trình thiết lập luật lệ, điều này sẽ gây nhiều tổn hại đối với lợi ích quốc gia”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh hoan nghênh các sáng kiến có lợi cho việc tăng cường hợp tác trong khu vực, nhưng "phản đối các nỗ lực gây chia rẽ và đối đầu".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 18/5 đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Biden, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Sullivan cũng cho biết, lãnh đạo các nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả các nước Đông Nam Á, gần như sẽ tham gia khởi động IPEF.

>>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet

Việt Anh