Chiều 29/12, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04-CTr/TU) tổ chức hội nghị giao ban về kết quả thực hiện chương trình năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

25/33 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2023

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, năm 2023, Chương trình số 04-CTr/TU đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, có 25/33 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2023 gồm: 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới (18/18 huyện, thị xã); 111 xã nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến hết năm 2023, lũy kế có 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến hoàn thành vượt 17,3% so với chỉ tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 156 xã).

Dự kiến hết năm 2023, hoàn thành 48 xã nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tổng số xã nông thôn mới kiểu mẫu là 68 xã; có 545 sản phẩm OCOP (kế hoạch là 400 sản phẩm); công nhận 15 làng nghề, làng có nghề (chỉ tiêu 10 làng); 95% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải (chỉ tiêu 77%).

Có 12 chỉ tiêu đạt và trong lộ trình kế hoạch, gồm: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 20% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 đạt 2,74%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,06%, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo (kế hoạch đến năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo); tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 90% (kế hoạch năm 2023 đạt 90% và đến năm 2025 đạt 100%).

Tổng kinh phí huy động vốn thực hiện chương trình năm 2023 là 19.151,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Thành phố là 6.680,3 tỷ đồng, chiếm 34,9%; ngân sách huyện là hơn 9.800 tỷ đồng, chiếm 51,2%; ngân sách xã hơn 902 tỷ đồng, chiếm 4,7%. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là hơn 1.757 tỷ đồng, chiếm 9,2%.

Như vậy, qua 3 năm thực hiện tổng kinh phí huy động và từ các nguồn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt 84% (60.341/71.830 tỷ đồng) so với cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Với những kết quả đạt và vượt kế hoạch được giao, Chương trình xây dựng Nông thôn mới được đề cử bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong năm 2023.

W-hanoi-ntm.jpg
Nhà văn thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. 

Tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nông dân

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Chương trình số 04-CTr/TU.

Theo đó, những kết quả triển khai Chương trình số 04-CTr/TU đã góp phần giúp thành phố hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2023, trong đó các chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Giảm số hộ nghèo so với năm trước; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng; phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới được tiếp tục đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ rõ một số hạn chế, trong đó, Hà Nội vẫn còn hơn 100 xã người dân chưa được sử dụng nước sạch. Theo bà Tuyến, để chậm trễ vấn đề này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các sở, ngành liên quan; đồng thời, yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; có giải pháp, lộ trình triển khai để hoàn thành sớm tiêu chí này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, theo Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến cần tập trung triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện, nhất là các huyện còn nhiều khó khăn, chưa đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, cần tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm... 

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV