Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đã không ngần ngại hiến đất nhằm mục đích chính là mở rộng đường bê tông nông thôn.
Chỉ tính trong 9 tháng năm 2023, xã Ngọc Linh đã làm được gần 9 km đường bê tông, nhân dân đóng góp khoảng 4 tỷ đồng, trong đó người dân hiến trên 6.000 m2 đất. Có người đã hiến hàng nghìn m2 đất cha ông để lại để mở rộng đường.
Còn tại xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã tiếp tục thực hiện nâng cao tiêu chí giao thông. 10 tháng đầu năm 2023, người dân trong xã đã hiến trên 5.200 m2 đất để mở rộng đường từ 3,5 m lên 4 m và 6 m; làm được gần 2,4 km đường bê tông.
Năm 2023, nhiều địa phương trong tỉnh Hà Giang ghi nhận tinh thần thiện nguyện của người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo, người dân toàn tỉnh Hà Giang đã hiến trên 188.000 m2 đất, đóng góp trên 162.000 ngày công lao động... trong năm 2023.
Văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh đã cung ứng hơn 31.000 tấn xi măng cho 4 huyện, thành phố, đạt 100% kế hoạch. Người dân đã tổ chức thực hiện làm được 266 km đường bê tông các loại. Tổng chung, về kết quả thực hiện cơ sở hạ tầng, các huyện, thành phố đã thực hiện được trên 462 km đường bê tông các loại; bó láng nền nhà, xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, cứng hóa, di dời chuồng trại trên 7.000 công trình; xây dựng, sửa chữa trên 200 phòng học, lớp học, nhà văn hoá thôn...
Đối với kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, đến nay, thành phố Hà Giang là đơn vị cấp huyện duy nhất của tỉnh Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh có 48/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 26,85%), trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 88 thôn đã được công nhận thôn nông thôn mới. Các huyện, thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 48 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, 48 xã đạt 490 tiêu chí nâng cao, tăng 19 tiêu chí so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, trong năm 2023, quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang cũng gặp một số khó khăn như: nguồn vốn chương trình giai đoạn 2021-2025 được giao thấp so với nhu cầu, việc lồng ghép nguồn vốn giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khăn do mỗi chương trình có quy định riêng về mục tiêu, đối tượng, địa bàn thực hiện.
Các xã xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 là xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, xã biên giới địa hình chia cắt, dân cư sinh sống rải rác, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp... Những yếu tố này gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực nhân dân đóng góp thực hiện chương trình.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nông thôn, nhằm góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí xã, thôn nông thôn mới...
Đối với các huyện, thành phố cần tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kết luận của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các xã.
Các xã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục duy trì và tổ chức phát động các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới thông qua các hoạt động, việc làm cụ thể. Tăng cường vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của chương trình.