Năm 2024, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ còn 16 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Để đạt được thành quả này, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân xã đã nỗ lực vượt bậc trong công tác giảm nghèo, đặc biệt quan tâm, ưu tiên đến hoạt động truyền thông, vận động xoá nhà tạm và sinh kế cho hộ nghèo.
Lãnh đạo xã Xuân Lộc cho biết cùng với nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện hỗ trợ mỗi nhà khoảng 70 triệu đồng, địa phương cũng hỗ trợ để các hộ vay vốn xây dựng nhà ở. Người nghèo, cận nghèo nơi đây còn được sự giúp đỡ nhiệt tình của người thân và bà con lối xóm.
Đây là nguồn hỗ trợ quý báu, giúp nhiều hộ gia đình nghèo gặp khó khăn về nhà ở có thêm điều kiện để được xây, sửa nhà cửa khang trang, vững chãi, an toàn, từ đó giúp người dân an cư lạc nghiệp. Trong 4 năm qua, xã đã xóa nhà tạm cho 27 hộ, trong đó chủ yếu là các gia đình người đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, người nghèo tại đây cũng được quan tâm về nhà ở. Hiểu rõ hoàn cảnh hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở của gia đình anh Hoàng Mạnh Luân (trú tại thôn Khe Su), chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị và nhà hảo tâm đã hỗ trợ anh Luân kinh phí để xây dựng ngôi nhà vững chãi. Gia đình anh Luân còn được hỗ trợ 2 con bò giống để phát triển kinh tế. Gửi lời cảm ơn tới Nhà nước, cộng đồng đã quan tâm, hỗ trợ, anh Luân chia sẻ đây là nền tảng quan trọng để vợ chồng anh nỗ lực vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Trên toàn huyện Phú Lộc, công tác giảm nghèo bền vững luôn được huyện quan tâm. Hết năm 2023, toàn huyện có thêm 447 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,66%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 1,77%. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,48% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,73%.
Tính đến ngày 25/5, kinh phí để huyện Phú Lộc thực hiện 6 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 28,3 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, từ các nguồn huy động, đến nay địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 65 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc cũng phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị huy động các nguồn lực để giúp chăm lo nhà ở cho hộ nghèo. Cuối tháng 9, thêm 3 hộ nghèo trong huyện đã được bàn giao những căn nhà vững chãi, tổng trị giá hỗ trợ là 240 triệu đồng.
Các ngôi nhà được bàn giao có diện tích sử dụng khoảng 70m2, đảm bảo các tiêu chí 3 cứng là: tường cứng, mái cứng và móng cứng, đầy đủ không gian sinh hoạt.
Các hộ nghèo tại huyện Phú Lộc cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sinh kế. Cùng với sự quyết liệt, sát sao của tỉnh Thừa Thiên - Huế, huyện Phú Lộc, các địa phương trong huyện tranh thủ các nguồn lực, dự án về các mô hình sinh kế trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình khác, thông qua Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, từ chăn nuôi bò, lợn, dê, gà và cây giống cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Hồi tháng 4, tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu nhi Việt Nam và một doanh nghiệp tổ chức trao tặng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
Đoàn trao tặng 3.000 con gà giống và 1,5 tấn thức ăn chăn nuôi cho bà con nghèo của 2 xã Lộc Bình và Lộc Vĩnh với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Ngoài được hỗ trợ con giống và thức ăn chăn nuôi, các hộ nghèo được hỗ trợ về kỹ thuật, cách làm chuồng trại để gà sinh trưởng, phát triển tốt, qua đó giúp bà con có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, thêm điều kiện để thoát nghèo bền vững, đa chiều.
Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc, thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” tại các địa bàn dân cư; Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ đối với các hộ nằm trong phương án thoát nghèo và cận nghèo.
Đặc biệt, huyện xây dựng phương án và hỗ trợ thoát nghèo cụ thể cho từng hộ gia đình như xây sửa nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, đưa người lao động trong các hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài nếu có nhu cầu.